Theo đó, về việc xác thực trong giao dịch chứng khoán trực tuyến, Điều 8 Thông tư 134/2017/TT-BTC đã được Bộ Tài chính bổ sung thêm quy định: Mỗi lần thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến, nhà đầu tư phải thực hiện xác thực theo quy định.
Giao dịch chỉ được thực hiện khi thông tin nhà đầu tư cung cấp trùng khớp với thông tin nhà đầu tư đã đăng ký và lưu trong hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Nhà đầu tư được lựa chọn giải pháp xác thực do tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến và được đăng ký lại giải pháp xác thực khi có nhu cầu.
Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Mức phạt thấp nhất là 500 nghìn - 1 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng sẽ chịu mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).
Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai
Tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10 quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (trước đây phạt từ 2 - 4 triệu đồng) trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu tại khu vực đó.
Mua hàng miễn thuế được nhận hàng ở nước ngoài
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 100/2020/NĐ-CP về việc kinh doanh hàng miễn thuế có hiệu lực từ 15/10. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này, người mua hàng miễn thuế được nhận tại các địa điểm sau: Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh.
Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mua hàng miễn thuế trong nội địa: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 1 nơi khách du lịch xuất cảnh.
Đáng chú ý, ngoài địa điểm nhận hàng quy định trên, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài. Đây là quy định mới được bổ sung tại Nghị định 100 năm 2020.
Phải nộp 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại
Thông tư 23/2020/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành đã quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại từ ngày 30/10/2020. Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở quy định cụ thể như sau: Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống 98.000 đồng; Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV là 231.000 đồng; Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV là 339.000 đồng.
(Theo VOV)