Trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Văn Chấn, rất nhiều nông dân tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, với đồng bào Dao ở khu dân cư Phù Sơn, thị trấn Sơn Thịnh, do điều kiện đất đai có độ dốc lớn, lại bạc màu nên phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Không chịu khuất phục đói nghèo, người thanh niên Đặng Văn Tân đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xây dựng thành công mô hình trồng cây sơn hiệu quả bậc nhất ở Văn Chấn.
Cần mẫn, tỉ mỉ và chính xác, công việc cắt vỏ lấy sơn, khơi dòng "vàng trắng” đã trở thành thuần thục, gắn liền với anh Đặng Văn Tân và gia đình nhiều năm nay. Vất vả làm việc trong điều kiện bóng đêm và địa hình đồi núi dốc, thành quả mang lại cho gia đình anh là cả triệu đồng mỗi người, mỗi đêm.
Vốn là loài cây có nhiều định kiến bởi có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe cho con người, việc thu hoạch nhựa sơn lại đòi hỏi thời gian chủ yếu về ban đêm nên cây sơn ít được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Thế nhưng, anh đã nỗ lực khắc phục khó khăn để có được mô hình khá hiệu quả.
Anh Tân chia sẻ: "Ban đầu, bà con không cho trồng, bảo mình mang bệnh về cho bản làng nên mình phải mang vào tận rừng sâu. Dần dần, thấy mình làm hiệu quả, nhiều người bảo, cây này ban đầu ngứa tí thôi, nhưng mà làm ra tiền đấy nên đã giúp mình chăm sóc và theo mình trồng sơn”.
Ngược thời gian chục năm về trước, bản người Dao Phù Sơn, thuộc xã Sơn Thịnh lúc bấy giờ đất rừng rậm rạp, hoang hóa rất nhiều nhưng với loại đất xám tro, bạc màu người dân chỉ trồng được cây sắn để chăn nuôi.
Vốn tính cần cù, chịu khó, chàng trai dân tộc Dao Đặng Văn Tân đã khai hoang, trồng hàng chục héc-ta sắn. Có năm, gia đình anh thu hoạch đến 60 tấn sắn tươi. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi, giá trị chẳng đạt được bao nhiêu nên gia đình anh vẫn thuộc diện nghèo.
Trăn trở với loại cây trồng hiệu quả kinh tế, anh đã thử nghiệm trồng rừng, trồng quế rồi đi làm thuê lấy ngắn nuôi dài, tìm hướng phát triển kinh tế. Trong một lần làm thuê ở Phú Thọ, anh đã được tiếp cận với mô hình trồng cây sơn của nhân dân nơi đây.
Nhận thấy cây sơn có khả năng thích nghi cao, phù hợp với đồi đất quê nhà, anh quyết định mua cây giống về trồng thử 1 ha. Đất không phụ công người, cây sơn đã bám đất, sinh trưởng và phát triển mạnh. Nhận thấy khả năng phát triển của cây sơn, anh đã dốc hết vốn liếng trồng thêm cây sơn vào diện tích nương sắn đất đã bạc màu.
Đến nay, anh Đặng Văn Tân đã sở hữu 6 ha sơn cho thu hoạch. Với khả năng cho thu hoạch liên tục nhiều năm, thời gian thu hoạch 8 tháng/năm, hiện nay, diện tích sơn cho gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Là loài cây có giá trị cao, mỗi cân nhựa sơn có giá trị trung bình 300.000 đồng, mỗi công thu hoạch sơn đạt trung bình 800.000 đồng/ngày - đây là tiền công lớn đối với đồng bào Dao ở Phù Sơn. Việc phát triển cây sơn đã và đang mở ra hướng đi mới làm giàu cho gia đình và quê hương. Đến nay, cả khu dân cư Phù Sơn có 12 hộ theo anh Tân trồng sơn trên diện tích gần 20 ha.
Chia sẻ với bà con, anh Tân không ngần ngại giúp đỡ từ cây giống đến kinh nghiệm trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhờ thế, nhiều hộ trở nên khá giàu, xây dựng nhà cửa khang trang.
Anh Nguyễn Đăng Tứ - người dân tổ dân phố Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh cho biết: "Mình cũng đã thử nhiều cây trồng mà chưa thấy hiệu quả, thấy anh Tân trồng sơn rất kinh tế nên mình cũng đầu tư trồng 3.000 cây. Hiện, cây sơn phát triển tốt. Hy vọng, thị trường giá cả ổn định để nhân dân yên tâm phát triển cây sơn”.
Nỗ lực của anh Đặng Văn Tân đưa cây sơn về với bản làng đã mở ra hướng đi hiệu quả bền vững cho đồng bào nơi đây. Từ chỗ là loại cây trồng khá xa lạ với đồng bào Dao nhưng với khả năng sinh trưởng nhanh, thu hoạch lâu dài, cây sơn đã và đang làm thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nhân dân. Trồng sơn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn động viên phong trào trồng cây gây rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Đặng Thanh Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Thịnh: "Chúng tôi đánh giá đây là một trong những mô hình rất triển vọng, phù hợp với điều kiện đồi núi dốc. Chúng tôi đang động viên nhân dân tích cực mở rộng diện tích; đồng thời, liên kết các hộ để thành lập Hợp tác xã Sơn của Sơn Thịnh. Mô hình này là tiền đề để các hộ nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới vào sản xuất”.
6 năm phát triển cây sơn đã góp phần làm cho bản làng Phù Sơn ngày càng "thay da đổi thịt”. Đó là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của người thanh niên giàu ý chí.
Ngọc Thúy - Trần Van