Cùng với mở rộng diện tích, các hộ chú trọng phát triển rau an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay, toàn thành phố có trên 70ha trồng rau theo hướng an toàn tại các xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú, Minh Bảo...
Ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Âu Lâu chia sẻ: Người dân xã Âu Lâu có truyền thống thâm canh rau từ lâu đời nhưng trước đây chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, chưa áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao, quy mô chủ yếu là hộ gia đình, diện tích nhỏ, phân tán và làm theo phương pháp truyền thống dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ.
"Thực hiện Đề án sản xuất rau an toàn của thành phố, chúng tôi đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn tại các thôn có tiềm năng, người dân được phổ biến kiến thức đúng quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái sơ chế theo quy chuẩn Việt Nam, các hộ sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, thời gian cách ly đối với từng loại thuốc để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm" - ông Hải nói.
Chúng tôi xuống thăm cánh đồng trồng rau thôn Đắng Con, cả một vùng rộng lớn được trồng kín rau bắp cải, cà chua, bí đao, dưa, đậu đỗ…
Chị Trần Thị Thúy - một hộ dân trong thôn chia sẻ: Người dân được phổ biến kiến thức về sản xuất rau an toàn và các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, cung ứng cho người tiêu dùng và thay đổi tập quán từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau an toàn. Mô hình trồng rau an toàn tại thôn đã có hiệu quả bước đầu và đang được nhân rộng, mở rộng diện tích.
"Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất rau an toàn dần gây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, hiện toàn bộ diện tích rau của các hộ dân đều áp dụng quy trình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy giá trị sản xuất đạt cao hơn sản xuất thông thường” - chị Thúy nói.
Việc xây dựng các mô hình trồng rau an toàn không chỉ đem lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất mà còn giúp người dân làm quen với kỹ thuật sản xuất mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần giúp bà con quen dần với sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất rau an toàn ở thành phố Yên Bái vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng manh mún, phân tán, hạn chế trong việc sản xuất, quản lý và giám sát chất lượng rau an toàn theo quy định.
Mặt khác, hiện nay trên địa bàn mới chỉ có rau an toàn của các hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu, kết nối được với doanh nghiệp để tiêu thụ, còn các địa phương khác người dân vẫn phải tự tiêu thụ sản phẩm, giá bán không cao, trong khi chi phí sản xuất cao hơn so với trồng rau thông thường.
Đối với các hộ dân trồng rau an toàn "tự phát” không là thành viên của các hợp tác xã thì càng khó khăn hơn, khi rau thu hoạch hầu như chỉ bán cho thương lái tại ruộng, giá được thương lái ấn định và có tình trạng bị ép giá. Thêm nữa, nông dân chưa tiếp cận được những thông tin về nhu cầu của thị trường nên chưa có biện pháp tổ chức sản xuất hợp lý.
Có thể khẳng định, sản xuất rau an toàn là hướng đi triển vọng đối với sản xuất nông nghiệp của thành phố Yên Bái nhằm hướng tới một nền sản xuất bền vững. Để rau an toàn có thể phát triển ổn định và mở rộng diện tích theo quy hoạch, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ dân trồng rau tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải liên kết sản xuất để giá bán rau an toàn đúng với giá trị thực.
Quang Thiều