OCOP - Nâng tầm nông sản Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/10/2020 | 7:50:20 AM

YênBái - Mỗi địa phương của huyện Yên Bình đều đăng ký xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP; ưu tiên những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng xã.

Vùng lúa đặc sản Hương Chiêm xã Bạch Hà đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020.
Vùng lúa đặc sản Hương Chiêm xã Bạch Hà đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020.

Xã Bạch Hà, huyện Yên Bình hiện có 154 ha lúa; trong đó, có 50,2 ha lúa đặc sản canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tháng 10/2018, gạo Bạch Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”. 

Việc gạo Bạch Hà chính thức được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã giúp sản phẩm nông nghiệp của địa phương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhận diện nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. 

Sử dụng phát huy tốt hiệu quả của Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Hà và người dân đã tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, thu hoạch đúng thời điểm và bảo quản, chế biến đúng cách để nâng cao chất lượng lúa, gạo. Bạch Hà phấn đấu năm 2020, sản phẩm gạo Bạch Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Anh Nguyễn Mạnh Thưởng ở thôn Phai Thao, xã Bạch Hà đã canh tác lúa đặc sản Hương chiêm nhiều năm. Anh cho biết: "Gia đình tôi canh tác 5 sào lúa đặc sản Hương chiêm. Để lúa đạt năng suất, chất lượng tốt nhất, tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP đã được hướng dẫn; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được cho phép và thu hoạch đúng khung thời vụ để chất lượng hạt gạo được thơm ngon nhất”.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” - (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, mỗi địa phương của huyện Yên Bình đều đăng ký xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP; ưu tiên những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng xã.

Huyện phấn đấu đến năm 2021, tiêu chuẩn hóa 10 sản phẩm của địa phương; xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm nông sản chủ lực của huyện gắn với thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản của huyện. 

Ông Nguyễn Lê Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; tăng cường hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể. Đồng thời, huyện cũng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. 

"Đến nay, huyện hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: cây ăn quả có múi 1.100 ha; gạo đặc sản Bạch Hà 154 ha; quế 1.000 ha; phát triển thủy sản hồ Thác Bà quy mô lớn với trên 2.000 lồng cá” - ông Dũng nói.

Căn cứ đề án của tỉnh về thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2020 - 2021, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thực hiện. Theo đó, huyện đã đăng ký nâng cấp sản phẩm bưởi Đại Minh từ tiêu chuẩn từ 4 sao lên 5 sao; đồng thời, lựa chọn 10 sản phẩm nông sản chủ lực để đăng ký với tỉnh xây dựng tiêu chuẩn 3 sao. 

Trong đó, riêng năm 2020, huyện phấn đấu có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao gồm: chè xanh, chè túi lọc Hương Lý, cá sấy hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, măng chua, măng khô Thác Bà và du lịch cộng đồng xã Phúc An.

Trên cơ sở khảo sát, đăng ký tham gia Chương trình, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đó là: bưởi Đại Minh, gạo đặc sản Bạch Hà và cá hồ Thác Bà. 

Cùng với đó, huyện cũng xây dựng 5 chuỗi giá trị gồm: bưởi Đại Minh; cá nuôi trên hồ Thác Bà; gỗ keo; cây dược liệu (cây khôi nhung); gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo. Các dự án này giúp người dân sản xuất theo hướng tập trung và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 

Có thể nói, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” ở Yên Bình đã góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm và từng bước hiện thực hóa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

Hồng Giang

Tags Yên Bình OCOP nông sản

Các tin khác
Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giá vàng SJC vẫn cao ở mức kỷ lục 85,2 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 28/4, giá vàng SJC vẫn giữ ở mức kỷ lục 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới niêm yết ở mức 2.337,4 USD/oz.

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục