Chương trình nhằm mục tiêu xác định được ít nhất 4 sản phẩm tiềm năng được đánh giá theo tiêu chí OCOP đạt từ 3 sao trở lên để hỗ trợ, thúc đẩy trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2020.
Lục Yên có nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc như: măng mai khô Lâm Thượng, vịt bầu Lâm Thượng, gạo nếp Khánh Thiện, cam sành Khánh Hòa, lạc ri đỏ Minh Tiến… Đây chính là các sản phẩm thế mạnh có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Thực hiện chương trình phối hợp, đoàn khảo sát đã trực tiếp làm việc với các chủ thể của 10 sản phẩm.
Theo đó, các sản phẩm đã được đánh giá, chấm điểm theo Bộ tiêu chí OCOP, xác định điểm số của từng sản phẩm, các tiêu chí đã đạt và các tiêu chí còn thiếu để đưa ra phương hướng thúc đẩy, hỗ trợ cho các chủ thể.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 10 sản phẩm, có 5 sản phẩm đạt mức 3 sao gồm: Dầu vừng đen, Dầu đỗ tương, Túi lọc tắm bé, Xúc xích thỏ, Cam sành Lục Yên; có 4 sản phẩm đạt hạng 2 sao: Măng mai khô Lâm Thượng, Gạo nếp cái hoa vàng Khánh Thiện, Khoai môn tím Lục Yên, Gạo Đồng Quê; có 1 sản phẩm là Vịt bầu Lâm Thượng đạt mức độ 1 sao.
Đối với các sản phẩm đạt 3 sao, chủ thể cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện các nội dung như: câu chuyện của sản phẩm gắn với nguồn gốc xuất xứ, có các kênh phân phối sản phẩm, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy xuất nguồn gốc.
Năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu và kênh phân phối, quy mô được mở rộng theo quy định, tính hoàn thiện của bao bì có tem nhãn mác theo quy định và tem truy xuất nguồn gốc, có câu chuyện của sản phẩm gắn với nguồn gốc xuất xứ, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy xuất nguồn gốc là nội dung các chủ thể của nhóm sản phẩm đạt hạng 2 sao, 1 sao cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
Là đơn vị có 2 sản phẩm OCOP khảo sát đợt này, ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn bày tỏ mong muốn các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền về OCOP. Cụ thể, phải giúp người dân hiểu OCOP là gì, có ý nghĩa ra sao, đặc biệt các sản phẩm OCOP đã nâng cao chất lượng thì xứng đáng với đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra bởi dán nhãn OCOP là dán trách nhiệm của hợp tác xã vào đó. Sản phẩm OCOP là uy tín của huyện, của tỉnh”.
Ông Hoàng Văn Bay - Giám đốc Hợp tác xã Đồng Quê có sản phẩm "Gạo Đồng Quê” tham gia chương trình khảo sát nhấn mạnh: "Hợp tác xã Đồng Quê có khu vực sản xuất chung, liên kết với các hộ dân nên yêu cầu đặt ra là phải mở các lớp tập huấn không chỉ cho riêng thành viên Hợp tác xã mà còn cho các hộ dân sản xuất xung quanh. Làm được điều này thì mới có thể giúp Hợp tác xã giải quyết được vấn đề nâng cao kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường”.
Ông Phạm Văn Vinh - Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Sinh kế, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam cho rằng, kết quả khảo sát thực trạng các sản phẩm OCOP tại huyện Lục Yên chính là cơ sở, kinh nghiệm để tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chuyên môn liên quan cần tiếp tục quan tâm cung cấp mọi thông tin liên quan đến OCOP để giúp người dân có nhận thức đầy đủ hơn cũng như có thể được giải đáp, tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất. Điều này sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP của Lục Yên nói riêng, Yên Bái nói chung.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” OCOP có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Bởi xây dựng nông thôn mới phải góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tức là phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập. Vì vậy, sự hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP sẽ chung sức thực hiện mục tiêu.
Nguyễn Thơm