Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các cơ sở dạy nghề quan tâm đến công tác ĐTN cho LĐNT. Từ các chính sách hỗ trợ dạy nghề, đã tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT) áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hàng năm, huyện đề ra chỉ tiêu dạy nghề cho trên 3.500 người và giải quyết việc làm mới cho 2.100 lao động, kết quả đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể năm 2019, huyện ĐTN cho 3.750 người và giải quyết việc làm cho 2.210 lao động; 10 tháng năm 2020, ĐTN cho gần 3.000 người và giải quyết việc làm cho 1.964 người. Trong đó, 1.407 lao động được tạo việc làm mới tại địa phương; 58 lao động có việc làm thông qua việc vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; 490 lao động đi làm việc ngoại tỉnh và 9 người đi XKLĐ.
Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết: "Không chỉ ĐTN nông nghiệp như trồng lúa, ngô năng suất cao mà học viên còn được truyền đạt về cách phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và theo định hướng đào tạo là chuyển dịch dần từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thương mại dịch vụ như: xây dựng, giao thông, cơ khí, may mặc, du lịch, khách sạn, nhà hàng, kinh doanh, quản lý bán hàng…
Từ ĐTN số LĐNT tìm được việc làm sau học nghề tăng lên từng năm, số lao động được cấp chứng chỉ nghề chiếm trên 90% đều tìm kiếm được việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp hàng ngàn lượt hộ được vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, hàng năm, huyện còn đề ra mục tiêu đưa từ 100 đến 130 người đi XKLĐ. Do đó đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền đến đội ngũ lao động trẻ, LĐNT từ vùng thấp đến vùng cao để mọi người hiểu đầy đủ các chủ trương, chính sách của công tác XKLĐ như: chính sách hỗ trợ người nghèo, người thuộc diện đối tượng chính sách được học nghề, ngoại ngữ, hỗ trợ kinh phí về khám sức khỏe, hộ chiếu, lý lịch tư pháp… để làm hồ sơ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Ban Chỉ đạo XKLĐ từ huyện đến cơ sở rà soát, lập danh sách số người có nhu cầu đi XKLĐ để tư vấn, bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề theo nhu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 4 công ty đươc Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gồm: Công ty cổ phần Đào tạo về phát triển công nghệ Hà Nội; Công ty cổ phần Nhân lực TTC Việt Nam; Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng và Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng.
Các công ty này tuyển dụng lao động đều thực hiện việc thông báo công khai minh bạch nội dung, số lượng, cơ cấu ngành nghề, chi phí trước khi đi, mức lương cơ bản và thu nhập theo quy định... Hiện, Trấn Yên có trên 800 người đang làm việc ở nước ngoài với gần 20 nghề khác nhau, mức thu nhập cao như: lao động ở Hàn Quốc 20 triệu đồng/tháng, Đài Loan 18 - 25 triệu đồng/tháng, Nhật Bản 25 - 35 triệu đồng/tháng… Hầu hết lao động đi XKLĐ về nước đều xây được nhà, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt, thay đổi cuộc sống; nhiều người tiếp tục đầu tư hoạt động kinh doanh dịch vụ và 100% thoát nghèo bền vững.
Để hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, thời gian tới, huyện Trấn Yên chú trọng công tác khảo sát nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng ĐTN, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với NLĐ trong, ngoài tỉnh và XKLĐ, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thạch Phong