Những năm qua, Yên Bái đã ban hành và thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp để nâng cao hoạt động quản lý, bảo vệ, sử dụng các nguồn, loại tài nguyên theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng chất lượng môi trường sống, cơ bản đảm bảo nguồn nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân; chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Cùng với việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, nhất là phát triển công nghiệp chế biến sâu, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển công nghiệp chế biến sâu, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Đơn cử như: hàng loạt dự án khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn huyện Văn Chấn, Trấn Yên xả bùn thải ra sông, ra suối, bể chứa bùn thải dung tích nhỏ, được thiết kế, xây dựng thiếu an toàn.
Hồ Thác Bà thực sự là một "viên ngọc xanh”, có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, là hồ dự trữ nước ngọt lớn của quốc gia, là nguồn nước sinh hoạt của khu vực thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình.
Tuy nhiên, hồ Thác Bà đang bị bao vây bởi rất nhiều điểm khai thác khoáng sản như ở Mông Sơn, An Phú, đặc biệt là hàng loạt các dự án chế biến khoáng sản (nghiền bột đá vôi trắng), sản xuất vật liệu xây dựng (với 2 nhà máy xi măng) đều được xây dựng ngay tại mép nước nên việc xả thải, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi… là điều không thể tránh khỏi.
Từ những vấn đề trên cho thấy, vấn đề môi trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn, tác động xấu đến vấn đề an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài tập trung tháo gỡ.
Đơn cử như, giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; cần chú trọng thu hút các dự án, mô hình kinh tế tuần hoàn vào tỉnh; phải làm thật tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn ô nhiễm từ các khu, cụm công nghiệp, chủ động ngăn chặn các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ khi thẩm định dự án, cấp phép đầu tư.
Quá trình triển khai phải giám sát chặt chẽ; đặc biệt phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng các trang thiết bị hiện đại đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án có tác động lớn đến môi trường.
Cần đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trong đó có các hạng mục về thu gom, xử lý chất thải, nước thải.
Từ lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau nên chúng ta chưa quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ giám sát và xử lý vấn đề môi trường trong các khu, cụm công nghiệp.
Các ngành chức năng và các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, cùng với đó là đẩy mạnh việc trồng và chế biến gỗ tại tất cả các huyện, thị, nhất là ở các huyện, xã vùng cao, giúp đồng bào các dân tộc ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải có cuộc sống ổn định và tiến tới làm giàu bằng việc trồng rừng như ở Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên…
Quản lý và bảo vệ thật tốt tài nguyên môi trường và phát triển công nghiệp chế biến sâu, bền vững, thân thiện với môi trường là chúng ta cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu xây dựng Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Lê Phiên