Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho nông nghiệp - Bài 2: Ưu tiên thu hút đầu tư các sản phẩm có thế mạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/11/2020 | 7:41:53 AM

YênBái - Để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chế biến các sản phẩm từ quế của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Chế biến các sản phẩm từ quế của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.


Nhờ xác định rõ thế mạnh của từng vùng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực để thu hút đầu tư; cải cách hành chính mạnh mẽ cùng cơ chế chính sách ưu đãi mà Yên Bái bước đầu thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Đến nay, đã có một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào vùng lõi nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như các dự án may mặc công nghiệp; một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản... 

Từ đó, góp phần nâng cao đời sống nông dân, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực gồm: vùng quế gần 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá. Đây là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản. 

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, số các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng số các dự án trên địa bàn tỉnh. Các lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, đa phần là chăn nuôi lợn; trong khi đó, một số thế mạnh về nông nghiệp chưa được phát huy như chè, cây ăn quả, thủy sản; chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Yếu tố chính cản trở bước chân của các nhà đầu tư là do sản xuất nông nghiệp còn chịu tác động lớn về điều kiện thời tiết, khí hậu và biến động của thị trường, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất còn thiếu; địa hình chia cắt, xuất đầu tư lớn... 

Đặc biệt, muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp phải tìm cách giải được bài toán liên kết với hàng trăm, hàng ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ trên các diện tích đất canh tác khá nhỏ lẻ, manh mún để có vùng nguyên liệu sản xuất bền vững. 

Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất, tích tụ ruộng đất còn khó khăn; nguồn lực bố trí cho chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến sâu, nên giá trị hàng hóa không cao; chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản một cách bền vững. 

Việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) chưa được áp dụng rộng rãi. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản chưa đảm bảo, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao, chưa gắn với đầu ra của thị trường, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. 

Để khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 11/11/2020 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025. 

Theo đó, ngoài  các chính sách chung như: hỗ trợ thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, mặt bằng sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển thương hiệu mở rộng thị trường, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng; hỗ trợ các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.

Mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp và thu hút đầu tư trong thời gian tới là, tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Đồng thời, phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản của tỉnh theo chương trình OCOP, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) để phục vụ người tiêu dùng có thu nhập khá. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững; phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung của tỉnh tăng lên 150 triệu đồng/ha/năm. 

Theo ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm đó là: khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu như: chè, quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ rừng trồng, kén tằm... và các sản phẩm tiêu dùng nội địa của tỉnh như: gạo nếp Tú Lệ, rau, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản hồ Thác Bà...; đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. 

Hai là, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản hàng hóa nguyên liệu theo quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Việt Nam (VietGAP), quốc tế (GlobalGAP), gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến. Hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), phát triển cây dược liệu. 

Ba là, khuyến khích đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, thủy lợi đồng bộ, hiện đại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; trong đó, đầu tư, hỗ trợ hình thành các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, bảo quản nông sản. 

Bốn là, ưu tiên các doanh nghiệp triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến gỗ, nuôi thủy sản; sản xuất giống cây, con; trong đó, nghiên cứu ứng dụng loại công nghệ phù hợp, phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối vùng để gắn kết sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Năm là, hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản có khối lượng hàng hóa lớn. Hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết hộ sản xuất với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm.     

Văn Thông

Tags Yên Bái thu hút đầu tư sản phẩm chủ lực

Các tin khác
Diễn tập phòng chống cháy rừng ở huyện Yên Bình. (Ảnh minh họa).

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô hanh 2020 - 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng ngày 25/11.

Sáng 25/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng.

Đại diện CIEM phát biểu tại buổi hội thảo.

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số nói chung và thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng là thế mạnh kinh tế của huyện Văn Chấn.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã quy hoạch, phát triển, hình thành các vùng hàng hóa tập trung có quy mô lớn. Trong phát triển công nghiệp nông thôn, chế biến chè là một ngành chủ yếu và mang tính bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục