Những năm qua, huyện Văn Chấn đã chú trọng quảng bá, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Bằng những cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại huyện ngày một nhiều, giá trị sản xuất CN-TTCN ngày một tăng.
Cái được rõ nét nhất trong sản xuất nông nghiệp là huyện đã quy hoạch, phát triển, hình thành các vùng hàng hóa tập trung có quy mô lớn, với vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha, cây ăn quả có múi 2.000 ha, chè nguyên liệu 4.950 ha, quế 8.400 ha, đàn gia súc chính 143.000 con…
Hàng năm, huyện trồng trên 3.500 ha rừng, tạo nên vùng nguyên liệu gỗ gần 20.000 ha. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được quan tâm và đã hình thành được các chuỗi sản phẩm: cam, chè, cây dược liệu, gỗ rừng trồng (FSC) và huyện có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Xác định sản xuất CN-TTCN là một nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; do đó, huyện quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, sản xuất CN-TTCN luôn giữ được nhịp độ và giá trị sản xuất tăng hàng năm.
Cụ thể, năm 2016 giá trị sản xuất CN-TTCN mới đạt 1.024 tỷ đồng thì năm 2019 đạt trên 1.370 tỷ đồng và 10 tháng năm 2020 dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt trên 988 tỷ đồng.
Trong đó, chế biến chè là một ngành chủ yếu và mang tính bền vững trong phát triển công nghiệp nông thôn, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện.
Hiện nay, huyện có 73 đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh chè và hàng năm chế biến từ 15.000 đến trên 20.000 tấn chè thành phẩm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ được thương hiệu chè, huyện hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cải tạo giống cây chè và mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng thu hái.
Có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để hoạt động có hiệu quả như: vay các nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất; hỗ trợ các nguồn vốn thuộc chương trình khuyến công; sự nghiệp khoa học và công nghệ để giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tạo, nâng cấp dây chuyền công nghệ cao phục vụ sản xuất, chế biến đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Có thể nói, với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu cùng các cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp, huyện Văn Chấn đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm đông dược, đầu tư cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn sinh học.
Tiêu biểu là dự án FDI đầu tiên đầu tư vào chăn nuôi của Công ty Nippon Zoki - Nhật Bản nuôi thỏ công nghệ cao quy mô 300.000 con/năm đã góp phần nâng cao năng lực cho nền kinh tế.
Ông Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy cho biết: "Để phát triển CN-TTCN, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp; tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào địa bàn huyện; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách theo quy định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”.
Phát huy kết quả đạt được, Văn Chấn đang tập trung khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.
Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn với các chính sách thông thoáng, hành động thông suốt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đất đai và trong trồng trọt bước đầu cho thuê đất để hình thành vùng lõi của doanh nghiệp; sau đó, mở rộng liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu tập trung và ổn định.
Trong chăn nuôi, cho thuê đất để phát triển các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn an toàn sinh học, bảo đảm môi trường. Huy động, bố trí nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ, liên thông bên trong vùng sản xuất, giữa các vùng sản xuất, giữa các địa phương với nhau để thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí phát sinh, hao tổn.
Thanh Phúc