Phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn - Bài 3: Bước chuyển từ vùng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/12/2020 | 7:53:44 AM

YênBái - Nhìn lại 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh đã có sự khởi sắc, đạt thành tựu quan trọng, nhất là ở vùng cao, địa bàn các huyện nghèo 30a.

Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.


Với mục tiêu tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững sự ổn định xã hội. 

Trong giai đoạn 2009 - 2015, tỉnh tập trung nguồn lực để rà soát, phân bổ đất đai cho đồng bào vùng cao, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai ở vùng cao, cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và thực hiện thành công việc san sẻ đất sản xuất cho các hộ gia đình thiếu đất tại 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất ổn định lâu dài. 

Theo đó, đã cấp được gần 79.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích gần 140.000 ha, đạt 99% diện tích cần cấp lần đầu; san sẻ cho gần 400 hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Bình quân hàng năm cân đối bố trí trên 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Theo đó, đã chuyển đổi trên 3.000 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng 2 vụ ngô trên đất dốc theo phương pháp canh tác bền vững. Vận động đồng bào vùng cao thay đổi được tập quán sản xuất lúa nước từ 1 vụ sang 2 vụ, bảo đảm đến nay hầu hết diện tích ruộng có điều kiện nước tưới đều được sản xuất 2 vụ lúa. Mở rộng gieo trồng các cây vụ đông trên đất ruộng bậc thang cạn với nhiều loại cây trồng mới như cây lúa mì, khoai tây... góp phần tăng thu nhập cho người dân. 

Tại huyện Mù Cang Chải, xuất phát điểm từ một nền sản xuất nông nghiệp thuần túy, mang nặng tính tự cung tự cấp, nhưng gần chục năm trở lại đây đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ, từng bước đảm bảo ổn định an ninh lương thực tại chỗ, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Đánh giá của lãnh đạo huyện, giai đoạn 10 năm từ năm 2008 đến nay thực sự là một cuộc "cách mạng” về nông nghiệp của địa phương. 

Năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải chỉ đạo xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ lúa giai đoạn 2012 - 2015 làm tiền đề mở rộng diện tích từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ. 

Cũng từ đây, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực: giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng; chuyển dịch dần từ số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, đảm bảo an ninh lương thực. 



Ngày mùa ở Mù Cang Chải. 

Chủ trương phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đảm bảo mục tiêu nâng cao thu nhập bền vững cho người dân đã tăng đáng kể diện tích sản xuất cây lương thực của huyện. Lấy thời điểm năm 2011 để so sánh, không khó để nhận thấy: diện tích sản xuất cây lương thực của huyện đã tăng gần 6.000 ha, năm năm 2020 đạt 11.600 ha. 

Trong đó, diện tích lúa 2 vụ đạt 1.800 ha, tăng 1.070 ha; năng suất lúa đạt 41 tạ/ha, tăng xấp xỉ 52%; diện tích ngô 2 vụ tính đến năm 2019 tăng xấp xỉ 2 lần. 

Tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt gần 42.100 tấn, năm 2020 đạt trên 45.150 tấn (tăng so với năm 2011 trên 20.700 tấn). Bình quân lương thực đầu người của người dân trên địa bàn huyện đã tăng thêm hơn 250 kg, hiện đạt 700 kg/người/năm; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 ước đạt 566 tỷ đồng, tăng 54% so với 2015.

Bước đầu, huyện đã thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư nuôi trồng, chế biến nông, lâm sản; một số giống cây trồng mới đưa vào thử nghiệm đạt kết quả tốt như cây cải dầu, lúa mì, lê Đài Loan, sơn tra ghép, hồng giòn, hoa hồng…

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, Yên Bái không còn loay hoay, chật vật phá thế độc canh cây lúa. Cuộc cách mạng xanh trên đồng đất vùng cao với việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang đến sự ấm no cho người dân vùng cao, mà thành công là từ sự chỉ đạo căn cơ, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc kiên trì vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, mở rộng diện tích ruộng bậc thang, cây sơn tra, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và các sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao. 

Tính riêng giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 1.712,38 ha; trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng ngô, rau màu được trên 800 ha cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần; chuyển đổi trên 730 ha từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây dâu tằm cho giá trị kinh tế cao gấp 3,5 - 4 lần so với trồng lúa; chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản được gần 170 ha cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần. 

Sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt trên 314.000 tấn, tăng trên 13.000 tấn so với năm 2015; trong đó, sản lượng thóc đạt 215.544 tấn, tăng 7.792,8 tấn; sản lượng ngô gần 99.000 tấn, tăng 5.748,6 tấn. 

Cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, giảm diện tích lúa lai; trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 50% diện tích lúa thuần. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 đạt 7.193,4 tỷ đồng; năm 2020 ước đạt 7.746 tỷ đồng, đạt 101,1% so với mục tiêu đề ra. 

Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 ước đạt 5.456 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.950 tỷ đồng, đạt 90,9% kế hoạch; giá trị sản xuất thủy sản đạt 340 tỷ đồng. Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của toàn tỉnh vào khoảng trên 2.500 ha. 

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 diện tích có nhu cầu chuyển đổi là trên 1.800 ha đất lúa. Chuyển sang trồng cây hàng năm trên đất lúa giai đoạn này là 917,74 ha; chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa trên 154 ha. 

Được biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã bố trí trên 58.616 triệu đồng để thực hiện xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành cung cấp nước tưới cho diện tích đất sản xuất của người dân đặc biệt là diện tích đất lúa. 

Hiện, toàn tỉnh có trên 3.248 công trình; trong đó, có 160 hồ chứa, 22 trạm bơm, 3.066 đập dâng; diện tích lúa được tưới bằng công trình thủy lợi là 36.559 ha, chiếm 87% tổng diện tích gieo cấy. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Giao thông nông thôn đã kiên cố hóa được trên 700 km mặt đường bê tông xi măng và mở mới nền đường trên 1.180 km.

Điện nông thôn được đầu tư nâng cấp và mở rộng, đến nay, 100% số xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên an toàn từ các nguồn điện trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 97%... Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách đối với nông dân phát triển và mở rộng diện tích đất trồng lúa. 

Cụ thể, thực hiện mức hỗ trợ trực tiếp tiền cho người dân đang canh tác trên đất trồng lúa trên địa bàn toàn tỉnh 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác. Ban hành chính sách cho hộ gia đình khai hoang đất để tạo ruộng bậc thang trồng lúa nước 2 vụ/năm tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. 

Qua đó, mở rộng khai hoang được trên 277,7 ha đất trồng lúa tại 2 địa phương này, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các đề án, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 307.580 triệu đồng. 

Thành công bước đầu từ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới đã góp phần để Yên Bái giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện nhanh hơn đời sống nông dân. 

Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) năm 2020 giảm còn 7,56%; trong đó, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giai đoạn 2020 - 2025 giảm trên 5%/năm; đến năm 2025 huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo; ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới.    

Minh Thúy
Bài cuối: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tags kinh tế nông thôn an ninh lương thực 06-NQ/TU cơ cấu ngành nông nghiệp

Các tin khác
Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ Chương trình 712, tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng.

Ngày 1/12, Hội Nông dân (HND) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng mô hình “Nâng cao giá trị, phát triển sản xuất cây lá khôi gắn với xây dựng chi, tổ, hội nghề nghiệp” năm 2020 tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Giá vàng trong nước vừa có phiên sụt giảm hơn 1 triệu đồng/lượng

Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh và xuống đáy 6 tháng cũng như ghi nhận tháng sụt giảm tồi tệ nhất 4 năm dù đồng USD suy yếu.

Ngày 1/12, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban Giám đốc Sở Công thương các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục