Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, kiểm soát. Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả chăn nuôi, ngành chức năng cùng các địa phương, người chăn nuôi cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Theo kết quả điều tra, chăn nuôi thời điểm 1/10/2020 của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có trên 589.780 con gia súc và trên 6,3 triệu con gia cầm; trong đó, đàn trâu đạt 93.748 con, đàn bò đạt 32.225 con, đàn lợn đạt 463.808 con, đàn gà trên 5,6 triệu con.
Trong tháng 11 trên địa bàn tỉnh phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) tại 4 hộ, của 2 xã, phường, thuộc thành phố Yên Bái với tổng số lợn mắc bệnh 12 con, đã thực hiện tiêu hủy là 12 con, trọng lượng trên 1,4 tấn.
Như vậy, trong 11 tháng bệnh DTLCP đã xảy ra tại 32 hộ, ở 20 thôn, bản, tổ của 13 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố: Lục Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, làm tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy 348 con, trọng lượng tiêu hủy là trên 19 tấn.
Trước những diễn biến đó, để phòng ngừa nguy cơ tái phát BDTLCP trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y đã phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan tiến hành tiêu hủy và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Đồng thời, Chi cục đã cấp 148 lít thuốc sát trùng và cùng các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm. Cùng đó, đẩy nhanh công tác tiêm phòng đợt 2 và đến nay, dịch bệnh tại các địa phương trên đều đã được khống chế.
Cùng với BDTLCP, cuối tháng 10 vừa qua, tại 4 hộ của 2 bản thuộc xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải có 9 con lợn bị chết đã tiêu hủy, 8 con ốm được theo dõi tại hộ nghi mắc bệnh xoắn khuẩn (lợn nghệ). Ngay khi phát hiện lợn ốm, chết, đơn vị chức năng tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường và vận động người dân tại 2 bản có lợn bị mắc bệnh mua vắc - xin phòng bệnh xoắn khuẩn về tiêm phòng.
Để phòng, chống bệnh hiệu quả, hiện nay, các địa phương đang tiến hành phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng các loại bệnh khác trên gia súc đợt 2/2020. Trong tháng 11, toàn tỉnh tiêm được trên 118.580 liều vắc - xin các loại; trong đó, tụ huyết trùng trâu, bò 28.000 liều, tụ huyết trùng lợn 57.000 liều, dịch tả lợn 32.000 liều.
Bên cạnh tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, lực lượng thú y còn thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Trong 11 tháng kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất ra ngoài tỉnh được 2.382 chuyến với 926.138 con gia súc, gia cầm và 9 chuyến với 8.480 kg sản phẩm động vật; kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn được 107 chuyến với trên 634.560 con gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ động vật được gần 21.800 con gia súc, gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y được 363 lượt cơ sở tại thành phố Yên Bái; trong đó, có 70 lượt cơ sở giết mổ lợn, 52 lượt cơ sở giết mổ gia cầm, 241 lượt cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp bởi thời tiết thay đổi, tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng, mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa, việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương tăng cao vào dịp cuối năm, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều trong môi trường...
Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, Chi cục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia súc đạt hơn 70% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng; yêu cầu lực lượng thú y địa phương thực hiện việc giám sát chặt chẽ việc phòng chống BDTLCP và tái đàn.
Với tinh thần chủ động từ tỉnh đến cơ sở, chắc chắn thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi sẽ được bảo đảm, góp phần tích cực vào việc tái đàn trong chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh trong tháng cuối năm khi dịp tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần.
Hồng Duyên