Xã Việt Hồng có nhiều di tích như: đình Trung, nhà ông Trần Đình Khánh, đình Làng Dọc và các điểm tham quan, du lịch trải nghiệm thác Trường Thọ, Ao Sen bản Nả, hang động trong khu rừng tự nhiên… được nhiều người biết đến. Từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch tham quan, trải nghiệm này đã thu hút hơn 2.000 lượt khách. Tuy nhiên, mức độ phát triển du lịch ban đầu ở đây còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và thiếu tập trung do chưa có cơ sở lưu trú, đa phần du khách đến trong ngày rồi về; việc tiêu dùng các dịch vụ tại các điểm du lịch còn hạn chế.
Ông Hoàng Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Từ năm 2019, các cơ quan, đơn vị của huyện và chính quyền xã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá mức độ, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Từ đó, lựa chọn bản Nả và bản Vần là 2 bản có nhiều lợi thế phù hợp với việc xây dựng mô hình làng bản du lịch cộng đồng (homestay) theo mô hình tổng hợp gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng tạo thành các tour du lịch khép kín. Xã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng phát triển mô hình đến từng hộ dân, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan về du lịch, lễ tân, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… để đảm bảo các hộ tham gia phục vụ du khách tốt nhất”.
Năm 2020, Việt Hồng đã có 5 gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Bước đầu, chính quyền xã lựa chọn xây dựng 1 mô hình du lịch dịch vụ lưu trú homestay thí điểm tại gia đình ông Hoàng Ngọc Liên ở bản Vần. Nhiệt tình, tâm huyết, ông Liên đã dày công xây dựng một không gian rộng rãi, thoáng đẹp.
Ông Liên chia sẻ: "Sự hỗ trợ từ Nhà nước giúp gia đình tôi được tiếp thêm nguồn lực để tham gia mô hình homestay. Gia đình đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng, sửa sang ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng trên 120 m2 và các công trình phụ trợ phục vụ khách lưu trú. Bên cạnh đó, gia đình đầu tư phát triển dịch vụ câu cá, quy hoạch trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây cảnh, cây ăn quả có múi và san gạt bãi đỗ xe… Tới đây, gia đình tiếp tục đầu tư cải tạo khuôn viên, xây dựng những khu tiểu cảnh, thiết kế sân vườn với những lối đi bằng đá xen kẽ hoa cỏ, tăng sức hấp dẫn cho du khách”.
Được biết, Việt Hồng đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất xây dựng các công trình hạ tầng và kế hoạch phát triển ngành nghề truyền thống, các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng phục vụ khách du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ dân thiết kế, sản xuất các mặt hàng thủ công, đồ lưu niệm của người Tày; chế biến các món ẩm thực truyền thống; phát triển các sản phẩm đặc trưng như: mật ong rừng, bưởi Diễn, cam V2, rau sạch, chè Bát Tiên, nước tinh khiết bản Nả.
Xã cũng thành lập và duy trì hoạt động 6 đội văn nghệ của 6 bản; trong đó, lấy đội văn nghệ bản Nả làm nòng cốt để phục vụ hoạt động du lịch homestay. Mới đây, xã ra mắt Câu lạc bộ Khuyến học tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày với 45 thành viên tham gia, gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Việt Hồng Hoàng Văn Biên cho biết thêm: "Xã có trên 86% là người dân Tày. Xây dựng thành công mô hình du lịch homestay sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại; giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài việc làm tốt các khâu tuyên truyền, xã chủ động khai thác triệt để lợi thế từ 1.000 ha rừng tự nhiên tại bản Nả; đầu tư, xây dựng các điểm du lịch homestay, phấn đấu để nơi đây trở thành điểm du lịch của huyện”.
Vũ Đồng