Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu GNBV, hàng năm, huyện tập trung mạnh vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở gắn kết, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Huyện đã hình thành các vùng kinh tế tập trung: phía Bắc (Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng) tập trung trồng dâu nuôi tằm, kết hợp với sản xuất lúa, ngô chất lượng cao; vùng tả ngạn sông Hồng (Y Can, Quy Mông, Kiên Thành) trồng tre măng Bát độ, gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng hạ huyện (Minh Quân, Vân Hội, Việt Cường) tập trung trồng chè chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản…
Năm 2016 - 2020, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu GNBV trên địa bàn huyện đạt 65.460 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 54.082 triệu đồng; ngân sách địa phương 2.006 triệu đồng; huy động nguồn khác 9.372 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) tổng kinh phí 44.348 triệu đồng đầu tư 112 công trình, trong đó đầu tư mới 71 công trình, chuyển tiếp 33 công trình, duy tu bảo dưỡng 8 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình GNBV tại các xã, thôn, bản ĐBKK với kinh phí 17.955 triệu đồng, triển khai 35 dự án và 1 mô hình nhân rộng với 1.900 lượt người được hỗ trợ về cây, con giống, công cụ hỗ trợ sản xuất…
Nhằm nâng cao năng lực quản lý dự án, huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn cán bộ cơ sở với 86 người tham gia; mở 6 lớp tập huấn cộng đồng cho 196 người; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thông tin, truyền thông cho 110 cán bộ làm công tác giảm nghèo; hỗ trợ 50.481 lượt người dân thông tin về giảm nghèo; hỗ trợ 16 xã có điểm thông tin cổ động về giảm nghèo; tổ chức 29 đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo…
Giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trên cây trồng, vật nuôi, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã tổ chức trên 400 lớp tập huấn cho gần 15.000 lượt hộ tham gia về kỹ thuật trồng và chăm sóc tre măng Bát độ; kỹ thuật trồng dâu và chăm sóc tằm; mô hình nuôi cá, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng cây ăn quả có múi; công tác chăn nuôi và thú y cho gia súc, gia cầm…
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 13 chương trình tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 9.000 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ trên 376 tỷ đồng để phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, giúp hộ nghèo, cận nghèo cải tạo, trồng mới gần 1.500 ha rừng, mua trên 1.000 con trâu, bò sinh sản phục vụ cho phát triển kinh tế gia đình.
Chương trình mục tiêu quốc gia về GNBV từ năm 2016 đến nay còn giúp 375 hộ xóa nhà dột nát; cấp bù học phí và hỗ trợ kinh phí học tập cho gần 8.000 học sinh thuộc hộ nghèo và học sinh bán trú; mở 88 lớp đào tạo nghề cho 2.640 lao động nông thôn; tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho 8.002 người; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 21.403 lượt người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 16.567 lượt hộ nghèo…
Nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương và nhân dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 20,58% năm 2016 xuống còn 2,72% năm 2020, tương đương với 5.522 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo trung bình mỗi năm đạt 4,69%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra.
Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản ĐBKK; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; tập trung công tác dạy nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; nhân rộng mô hình liên kết giảm nghèo... để người dân phát huy tính tự chủ, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Thái Hưng