Yên Bái nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/1/2021 | 7:45:07 AM

YênBái - Ngoài hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 0,5 - 2%/năm so với năm trước.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái.

6 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn liên tục giảm do nhu cầu sử dụng vốn của các thành phần kinh tế đều giảm.

Nguyên nhân do thị trường tín dụng gặp nhiều "sóng lớn” do thời tiết bất thường, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan; đặc biệt, đại dịch covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đời sống nhân dân, tác động tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu của doanh nghiệp. 

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn, kịp thời cán đích mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngoài hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 0,5 - 2%/năm so với năm trước.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ hiện tại ở mức 4,5% đến 5%/năm; cho vay SXKD thông thường khoảng 8,0% - 10,5%/năm đối với ngắn hạn và ở mức từ 7,5% - 10,8%/năm đối với trung, dài hạn, cho vay tiêu dùng từ 8,7% - 11,6%/năm. 

Việc hạ lãi suất, góp phần thúc đẩy, kích hoạt nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, nhà sản xuất. Cùng đó, dịch bệnh Covid-19 trong nước cơ bản ổn định; do đó, từ tháng 7 trở đi, dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại. 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân đạt trên 25.350 tỷ đồng, tăng 8,12% (mục tiêu đề ra tăng từ 8% đến 10%). Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận, trong khi đến hết quý I/2020 hầu như không có tăng trưởng. 

Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực; trong đó, tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế như cho vay SXKD, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. 

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/12/2020 ước đạt 9.750 tỷ đồng, chiếm 38,46% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ước đạt 8.050 tỷ đồng, chiếm 32,79% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ước đạt 3.780 tỷ đồng; dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách ước đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 8,82% so với năm 2019, góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020. 

Năm 2020, cũng ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng trong chủ động và sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tính đến 18/11, các chi nhánh ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho 21.977 khách hàng. 

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 964 khách hàng với dư nợ 957 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/01/2020 (dư nợ hiện hữu) từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 7.279 khách hàng, dư nợ được giảm lãi là 5.697 tỷ đồng. 

Cùng đó, hệ thống ngân hàng cũng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ liên quan để đồng hành, hỗ trợ khách hàng các giải pháp ổn định SXKD. Đến nay, các chi nhánh ngân hàng đã giải ngân cho gần 13.734 khách hàng với doanh số giải ngân mới đạt 3.780 tỷ đồng. 

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức: tăng trưởng dư nợ thấp hơn so với năm 2019; trong đó, một số ngành kinh tế đến hết tháng 10/2020 không tăng trưởng được dư nợ so với 31/12/2019 như vận tải kho bãi giảm 5,03%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 6,38%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 21,63%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 12,4%; nợ xấu có chiều hướng gia tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian tới, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHNH Chi nhánh tỉnh Yên Bái chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng thực hiện các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn, đảm bảo ổn định và tăng trưởng tín dụng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ SXKD và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển SXKD, lưu thông hàng hóa; thực hiện tốt việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; duy trì thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam.

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN; đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tập trung vốn tín dụng đầu tư cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, phương án SXKD có hiệu quả.

Đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích phòng ngừa rủi ro tại đơn vị, bảo đảm thanh toán thông suốt và an toàn tuyệt đối trong hoạt động ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh; triển khai các loại hình dịch vụ ngân hàng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm 2020 từ 10% trở lên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%.    

  Văn Thông

Tags Yên Bái ngân hàng tín dụng chính sách tiền tệ

Các tin khác
Người tiêu dùng chọn mua miến đao Giới Phiên tại Siêu thị Big C Hà Nội.

Sự "bắt tay” giữa nhà nông, nhà sản xuất với doanh nghiệp sẽ chắp cánh đưa sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh Yên Bái vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng, siêu thị, giúp người tiêu dùng có những lựa chọn đa dạng, phong phú hơn.

Khu công nghiệp Minh Quân

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Minh Quân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng OCOP của Yên Bái.

Năm 2020 đã khép lại với rất nhiều thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nông nghiệp Yên Bái đã vượt lên một cách thần kỳ…

Lễ khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Sáng 10-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục