Theo quy luật thị trường, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao hơn so với các tháng trước. Để bảo đảm bình ổn thị trường, cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng dồi dào, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.
Ngay từ đầu tháng 9/2020, Sở Công Thương Yên Bái đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung cầu, kiềm chế lạm phát theo quy định; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo cung ứng sớm và đầy đủ lượng hàng hóa theo nhu cầu sức mua của người dân.
Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ… gây tăng giá cục bộ trong các dịp lễ, tết. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại, giảm giá, đưa hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng về nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Hiện nay, nguồn hàng do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh phân phối, bán lẻ có tổng giá trị nhập thêm trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu ước khoảng 109 tỷ đồng.
Trong đó, Siêu thị Vinmart 13 tỷ đồng, hệ thống cửa hàng Vinmart+ 7 tỷ đồng, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hải Phượng 22 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại Nga Hoàn 10 tỷ đồng, Siêu thị Anh Mỹ 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Hùng Cường 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hằng Hiển 20 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Sức Xuân 8 tỷ đồng, Công ty TNHH Linh Hưng 4 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tuấn Tuyết 10 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái 3 tỷ đồng…
Cùng với đó, tỉnh Yên Bái còn tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng để tạo điều kiện luân chuyển, cung ứng đa dạng các loại hàng hóa, đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, phí, lệ phí. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng góp phần ổn định giá cả.
Giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với mức lãi suất hợp lý, theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuẩn bị hàng hóa, ổn định thị trường.
Theo nhận định của các ngành chức năng, sức mua hàng hóa dịp cuối năm nay sẽ thấp hơn mọi năm khoảng 5-10% nhưng nhu cầu hàng hóa sẽ dồn vào các sản phẩm nội địa nên các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa trong tỉnh cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Việc các cơ quan chức năng tích cực định hướng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa; sự chủ động chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp trước tình trạng thị trường tiêu dùng biến động lớn là tín hiệu tốt cho việc đảm bảo bình ổn cung cầu dịp lễ, tết cuối năm.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mối quan tâm lớn vẫn là việc ổn định thị trường, chống gian lận thương mại, bởi theo quy luật, điều kiện kinh tế khó khăn, dịch bệnh xuất hiện là cơ hội để các gian thương trà trộn hàng giả, hàng nhái vào tiêu thụ. Do đó, các lực lượng chức năng cần tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm; các hành vi vi phạm về giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Quang Thiều