Nhiều mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, gia tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống hội viên, nông dân như: Dự án "Sản xuất miến đao” tại xã Phúc Lộc và xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; Dự án "Mở rộng xưởng sản xuất chế biến sắn củ tươi xã Mậu Đông, huyện Văn Yên”…
Hay dự án vỗ béo trâu, bò tại TX Dịch vụ tổng hợp Thiên An tại thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình. Để hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HND huyện Yên Bình chỉ đạo HND các xã tăng cường tuyên truyền về Luật HTX; đưa nội dung tuyên truyền về mô hình kinh tế HTX, THT vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội.
Trên cơ sở các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các cơ sở, HND các cấp đã quy tụ, tập hợp các hộ sản xuất trong cùng lĩnh vực để hỗ trợ thủ tục, hồ sơ thành lập THT, HTX.
Nhờ được các cấp Hội hỗ trợ, tháng 7/2019 HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An, tại thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình chính thức được ra mắt với 9 hộ thành viên. Ngành nghề chính của HTX là chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với quy mô 100 con/lứa, năm 2019, HTX xuất bán trên 2.000 con trâu, bò, đảm bảo chất lượng và mang lại doanh thu 800 triệu đồng, tạo thu nhập cao cho các thành viên.
Đến nay, Quỹ HTND huyện đã huy động được hơn 2,7 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện 15 dự án với gần 100 hộ vay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác là 1 tỷ 750 triệu đồng cho 31 hộ vay để thực hiện các dự án: Dự án "Nuôi cá ngạnh bằng hình thức thả lồng trên hồ Thác Bà” tại xã Hán Đà, Dự án "Nuôi cá trắm đen bằng hình thức thả lồng trên hồ Thác Bà” tại xã Vĩnh Kiên và Dự án "Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Mông Sơn...
Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp hội cơ sở tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn.
Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Các cơ sở hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên.
Có thể nói, nguồn vốn ở Yên Bái đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hội viên mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
(Theo Quỹ HTND)