Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc vào nghị quyết. Đây là điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại rất nhiều diễn đàn, hội nghị của tỉnh, ngành hay các địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã nhiều lần nhấn mạnh: "Phải có gì giúp Yên Bái đổi mới, không phải cố tạo ra sự khác biệt mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình. Triết lý phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới là phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
|
Trong 5 năm qua, nông nghiệp và nông thôn huyện Trấn Yên đã phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm… góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới. Nổi bật lên là sự phát triển mạnh mẽ của vùng nguyên liệu tre măng Bát độ.
Gia đình anh Nguyễn Thành Long ở thôn Chi Vụ, xã Hồng Ca đang có gần 8 ha tre măng Bát độ. Vụ măng năm 2020, giá măng thương phẩm được thu mua ổn định ở mức 3.600 đồng/kg măng ống và 4.000 đồng/kg măng ngọn tươi. Với sản lượng thu hoạch gần 50 tấn măng thương phẩm, gia đình anh Long thu về gần 200 triệu đồng.
Anh Long chia sẻ: "Trồng tre Bát độ hàng năm chỉ cần phát cỏ, chặt tỉa vườn và bón phân 1 lần; thời gian thu hoạch kéo dài hơn 3 tháng và cho sản lượng măng ổn định. Cây trồng này rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân ở vùng cao nhiều đồi dốc”.
Do là xã có địa bàn nhiều đồi núi nên những năm gần đây, xã Hồng Ca đã xác định cây tre măng Bát độ là một trong những cây trồng mũi nhọn của địa phương và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng.
Cánh đồng dâu xã Việt Thành. (Ảnh: T.L)
Triển khai trồng thử nghiệm từ năm 2006, đến nay, Hồng Ca đã trở thành 1 trong 2 xã vùng trồng măng Bát độ hàng hóa lớn nhất ở huyện Trấn Yên với trên 1.100 ha. Sự phát triển nhanh chóng của các vùng nguyên liệu là cơ sở tạo đà để huyện Trấn Yên thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản.
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Cùng với sự phát triển chung, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi lớn; đồng thời, cũng có những thách thức gay gắt về thị trường, môi trường…
Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Trấn Yên luôn xác định tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các nguồn lực, có cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp và mục tiêu chính là để ngành nông nghiệp của huyện phát triển một cách toàn diện, bền vững, tạo sự chuyển biến rõ nét về quy mô, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm sản có tiềm năng lợi thế trên thị trường”.
Giai đoạn 2015 - 2020, Huyện ủy Trấn Yên đã chỉ đạo tập trung thực hiện quy hoạch, phát triển mở rộng quy mô các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh là thế mạnh của huyện gắn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện đều phát triển mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng như: vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, tăng 1.900 ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm giá trị gần 100 tỷ đồng/năm; vùng dâu tằm hơn 600 ha, sản lượng kén tằm hơn 750 tấn, giá trị trên 120 tỷ đồng/năm; vùng quế đạt trên 16.000 ha, trong đó vùng quế hữu cơ 7.000 ha, cho thu nhập trên 300 tỷ đồng/năm; vùng cây ăn quả có múi 762 ha, sản lượng hơn 2.700 tấn, cho thu nhập trên 60 tỷ đồng/năm.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi những diện tích đất vườn tạp, đất đồi kém hiệu quả sang trồng, cây ăn quả có múi chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng quả tại các địa phương trong vùng quy hoạch, huyện tập trung nâng tầm sản phẩm cây ăn quả có múi bằng nhiều giải pháp như: xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, hoàn thiện xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm quả có múi”.
Phát triển chăn nuôi hàng hoá theo hướng trang trại, gia trại, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm; triển khai, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, hình thành, phát triển nhiều cơ sở chăn nuôi hàng hoá. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trấn Yên đã hỗ trợ phát triển mới 454 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, nâng tổng số cơ sở chăn nuôi toàn huyện lên 670 cơ sở.
Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 10.000 con/lứa, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 9.000 tấn. Ngoài ra, người dân trên địa bàn đã khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích 430 ha ao, hồ hiện có; tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá, trong nhiệm kỳ đã thực hiện chuyển đổi 65,8 ha đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá. Đặc biệt, huyện có sản lượng thủy sản các loại đạt 1.700 tấn.
Anh Nguyễn Tiến Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán chia sẻ: "Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã giúp cho người chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất. Bên cạnh đó, việc người nông dân chủ động liên kết trong chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro, tăng lợi nhuận. Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay, hợp tác xã của chúng tôi còn hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu”.
Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Trấn Yên đã có chứng nhận chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã tạo thành các chuỗi liên kết trong sản xuất. Chú trọng đẩy mạnh tổ chức sản xuất, thành lập mới và củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đến nay, toàn huyện có gần 40 hợp tác xã và trên 350 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến sản phẩm nông lâm sản. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2019 của huyện đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 108,3% mục tiêu nghị quyết; năm 2020, ước đạt 1.350 tỷ đồng, bằng 112,5% mục tiêu nghị quyết, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,7%/năm.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trấn Yên đã đạt được những thành quả vượt bậc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Giai đoạn tới, huyện Trấn Yên tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đặt nền móng vững chắc cho một nền nông nghiệp có thương hiệu.
Anh Dũng