OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá cơ hội mang lại từ chương trình này, huyện Trấn Yên đã khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án; mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế.
Trong khi ở nhiều địa phương việc sản xuất, kinh doanh chè những năm gần đây gặp không ít khó khăn thì ở xã Bảo Hưng, người dân đã và đang sống tốt nhờ sản xuất, chế biến chè sạch. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn.
Hiện nay, gần 150 ha chè của xã là chè chất lượng cao được trồng, sản xuất, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn chè sạch. Đây là cơ sở để HTX sản xuất Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng sản xuất ra Trà Bát Tiên đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu chuẩn 3 sao.
Thu hái chè Bát Tiên ở xã Bảo Hưng.
Ông Vũ Viết Quốc - Giám đốc HTX sản xuất Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng chia sẻ: "Trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm Trà Bát Tiên đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã được các cấp chính quyền, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng dự án liên kết chuỗi sản xuất, các thủ tục, quản lý chất lượng, tư vấn từ khâu sản xuất đến khâu hoàn thiện sản phẩm như thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì cho sản phẩm Trà Bát Tiên; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đây mở ra cơ hội lớn để HTX và người dân địa phương cùng chung tay giữ gìn thương hiệu, mở rộng vùng chuyên canh chè hàng hóa chất lượng theo hướng bền vững”.
Mỗi địa phương trên địa bàn huyện Trấn Yên dựa trên thế mạnh của mình lựa chọn ra những sản phẩm có tiềm năng nhất để xây dựng thương hiệu. Thực hiện Chương trình OCOP, xã Đào Thịnh đã lựa chọn sản phẩm quế điếu thuốc của HTX Quế hồi Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến ra sản phẩm quế điếu thuốc đạt tiêu chuẩn, HTX đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ với tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, vốn đầu tư 80 tỷ đồng với dây chuyền máy móc hiện đại và áp dụng quy trình chế biến khép kín. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng được HTX hết sức chú trọng với hơn 500 ha quế hữu cơ.
Anh Nguyễn Bá Mão - quản lý sản xuất HTX Quế hồi Việt Nam cho biết: "Phương châm của chúng tôi là trở thành HTX đi đầu trong việc sơ chế, nâng giá trị cho cây quế. Việc được lựa chọn tham gia xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản phẩm của chúng tôi tiếp cận thị trường. Sản phẩm của HTX được trưng bày tại các gian hàng sản phẩm OCOP của huyện, của tỉnh là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng”.
Chương trình OCOP là cơ hội để các địa phương xây dựng sản phẩm có thương hiệu một cách bài bản và bền vững. Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Sau khi lựa chọn được đối tượng, chúng tôi phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất, tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm”.
Đến nay, huyện Trấn Yên đã có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn nội dung Chương trình OCOP đến các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Sau khi lựa chọn được các sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về thương mại, thế mạnh của HTX, doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà Chương trình OCOP đưa ra. Những sản phẩm OCOP đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tạo thêm tính đa dạng cho danh sách các nông sản đặc trưng của huyện”.
Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện Trấn Yên đã có 12 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2020, đã có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Nước tinh khiết Ban Na, miến đao Quy Mông, Trà Bát Tiên Hưng Khánh, Măng Bát độ Hồng Ca, rau cải ngọt, cải mơ, cải mèo của xã Y Can, chuối sấy dẻo Việt Thành, quýt đường canh Hưng Thịnh và bưởi Diễn Hưng Thịnh.
Ngay sau khi các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá xếp hạng, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh việc giới thiệu và bán sản phẩm; giới thiệu các sản phẩm vào siêu thị, tạo các gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ thương mại để đưa các sản phẩm OCOP của huyện đến với người tiêu dùng.
Những cách làm này nhằm giới thiệu, phân phối các sản phẩm nông sản của địa phương trong Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập của nông dân; tạo đà để người dân vùng nông thôn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà mình tạo ra.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thời gian tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP; chú trọng các hoạt động hỗ trợ có chiều sâu, lựa chọn sản phẩm, đơn vị tham gia đúng yêu cầu, nội dung của chương trình. Mục tiêu của huyện là quảng bá và phát triển một số sản phẩm truyền thống; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Anh Dũng
Bài cuối: Giải pháp căn cơ, tạo đột phá mới