Xuân trên vùng măng Bát độ

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/2/2021 | 7:55:42 AM

YênBái - Mùa xuân mới đang đến, sắc xanh bạt ngàn vùng tre Bát độ đã phủ kín những cánh rừng ở các xã vùng cao huyện Trấn Yên. Những vụ măng thắng lợi đã và đang mang đến những sắc màu ấm no, tươi vui cho ngày xuân trong các bản làng.

Người dân thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ.
Người dân thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ.

Chúng tôi trở lại Khuôn Bổ, xã Hồng Ca - thôn người Mông đặc biệt khó khăn đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt tiêu chí nông thôn mới. Đi trên những con đường bê tông mới, sạch đẹp, ngắm nhìn những ngôi nhà mới khang trang, những cánh rừng tre măng, quế bạt ngàn, chúng tôi thấy được sự ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây. 

Năm 2020, đối với gia đình anh Tráng A Vàng là một năm đáng nhớ, được đón tết trong ngôi nhà xây mới, điều mà trước đây gia đình anh chẳng dám mơ. 7 năm trước, anh Vàng nghe cán bộ vận động trồng thử 1 ha tre măng. 

Sau 3 năm, măng cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao, anh tiếp tục trồng mới hơn 2 ha. Vụ măng năm 2020 này, gia đình anh thu hoạch gần 20 tấn măng thương phẩm, thu về gần 100 triệu đồng. 

Anh Tráng A Vàng chia sẻ: "Khi tham gia trồng tre Bát độ, người dân chúng tôi được hỗ trợ vốn mua củ giống; được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ trồng, chăm sóc, khai thác; khi khai thác măng thì các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua. Điều này giúp người Mông chúng tôi yên tâm, tiếp tục đầu tư vào cây tre Bát độ và có cuộc sống tốt hơn”. 

Xã Kiên Thành là vùng trọng điểm tre măng Bát độ của huyện Trấn Yên. Hiện, cả xã có 1.830 ha; trong đó, trên 1.500 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Năm 2020 này, sản lượng măng thương phẩm của xã đạt hơn 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt gần 60 tỷ đồng. 

Trong công cuộc thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới, cây tre măng Bát độ có đóng góp tích cực. Điển hình như ở thôn Đồng Ruộng, cả thôn có 47 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đến nay, 100% hộ trồng hơn 170 ha tre măng Bát độ; trong đó, hơn 120 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. 

Năm 2020, sản lượng măng thương phẩm của cả thôn đạt 1.900 tấn, giá trị thu nhập đạt gần 8 tỷ đồng. 

Anh Giàng A Sáu - Trưởng thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành phấn khởi: "Trước đây, cán bộ còn phải đến vận động các hộ, còn bây giờ, người dân tự giác lắm! Nhờ cây tre Bát độ, cuộc sống của thôn bản chúng tôi khá hẳn, không còn đói, không còn nghèo nữa, còn có của để dành và cho con đi học đầy đủ”.

Vùng cao, vùng sâu, vùng xa Trấn Yên đã không còn những ngôi nhà tranh cũ kỹ mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang. Đời sống của đồng bào nâng lên nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đó, có chương trình trồng tre măng Bát độ. 

Đến nay, tổng diện tích tre Bát độ của toàn huyện là 3.576 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 2.500 ha. Vụ măng Bát độ năm 2020 là vụ măng thắng lợi toàn diện nhất từ trước tới nay trên cả 3 mặt năng suất - sản lượng - giá trị. Sản lượng măng thương phẩm đạt gần 30.000 tấn, đem lại giá trị thu nhập gần 100 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Cây  tre măng Bát độ là loại cây có giá trị kinh tế cao, huyện đang tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa măng tre Bát độ tập trung, tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh. 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tăng cường việc hỗ trợ người dân mở rộng diện tích tre măng Bát độ; đồng thời, chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chặt tỉa vệ sinh vườn tre; có cơ chế khuyến khích các đơn vị tiêu thụ sản phẩm liên kết chặt chẽ, giúp sản phẩm măng tre có đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.”

Khi nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm thì sản phẩm măng Bát độ của người dân Trấn Yên được tiêu thụ ổn định nhờ hiệu quả liên kết "4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này là minh chứng rõ nét về một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước cùng với sự đoàn kết, đồng thuận trong sản xuất của người nông dân.

Anh Dũng

Tags Trấn Yên Kiên Thành Bát độ

Các tin khác
Thành phố Hạ Long là thành phố đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường của các nước ASEAN.

Lĩnh vực thành phố bền vững về môi trường trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về môi trường của các quốc gia Đông Nam Á hướng tới sự phát triển bền vững.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 65% "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” sẽ trở thành hoạt động truyền thống khởi đầu một năm mới nhằm tạo hiệu ứng để mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nữ Giám đốc Phạm Thị Đông (giữa) tại một triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP Mường Lò tại Hà Nội.

Nói về các sản phẩm của các huyện, thị phía Tây được UBND tỉnh chứng nhận OCOP tưởng đâu xa lạ, khó khăn trong triển khai thực hiện, song khi gặp các anh, chị “chủ” thế hệ 7X, 8X, 9X năng động dám nghĩ, dám làm, đã xây dựng thành công giá trị sản phẩm nông nghiệp của quê hương mình, chúng tôi mới cảm nhận được OCOP rất gần, rất quen thuộc và hiện hữu ngay trong đời sống của những người dân vùng cao này.

Giá trị XK của khối FDI đã giảm nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị XK cả nước.

Mấu chốt thúc đẩy xuất khẩu năm 2021 là cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại để kịp thời khắc phục và tận dụng các cơ hội đang rộng mở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục