Mù Cang Chải: Vươn lên từ đồng vốn chính sách

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2021 | 11:00:59 AM

YênBái - Tháng Giêng, tôi vượt đèo Khau Phạ lên Mù Cang Chải để được đắm mình vào cảnh sắc tuyệt đẹp với trời xanh, mây trắng, tinh khiết hoa ban, đỏ thắm hoa đào; lên với huyện vùng cao để chứng kiến công cuộc xóa đói, giảm nghèo nơi đây đã và đang đạt được những thành tựu đáng khích lệ, để người Mông vùng cao Yên Bái không chỉ có cơm ăn, áo mặc mà nhà cửa khang trang, con cái được học hành.

Bà con người Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tại điểm giao dịch vay vốn ưu đãi.
Bà con người Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tại điểm giao dịch vay vốn ưu đãi.

Còn nhớ, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải - anh Nông Việt Yên đã nói với tôi: "Cuộc sống của đồng bào đủ đầy hơn, có được điều ấy là nhờ ơn Đảng, Chính phủ quan tâm, trong đó đồng vốn chính sách là một yếu tố quan trọng”.

Cùng với các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) lên thăm hộ gia đình anh Giàng A Hồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, chúng tôi chia sẻ niềm vui với vợ chồng anh khi đàn đại gia súc của gia đình đã lên tới gần hai chục con, chuồng trại vững chắc, che chắn cẩn thận, mấy đống rơm to đùng và bãi cỏ voi xanh mướt là nguồn thức ăn dự trữ phòng khi rét đậm rét hại. A Hồng đón cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH rất cởi mở, gần gũi như những người thân trong gia đình. 

"Rét đậm, rét hại như thế mà cả đàn trâu, bò vẫn khỏe mạnh, nhờ có chuồng trại và nguồn thức ăn dự trữ đấy!” - A Hồng vừa nói vừa chỉ tay vào mấy đống rơm gần hệ thống chuồng trại, cách xa ngôi nhà gia đình anh ở. 

Được biết, năm 2015, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải theo Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn. Toàn bộ số tiền ấy anh đầu tư cải tạo chuồng nuôi, mua thêm bò nái, quá trình vay, sử dụng đồng vốn luôn có sự đồng hành của tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH và nhất là cán bộ kỹ thuật nông - lâm nghiệp, những người giúp anh phòng trừ bệnh tật, phòng chống rét, vận động anh trồng cỏ, thu gom rơm khô làm thức ăn dự trữ; nhờ được chăm sóc tốt nên đàn đại gia súc của gia đình anh phát triển không ngừng, đến nay đã có 13 con bò, 5 con trâu, tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng. Vẻ hóm hỉnh, Giàng A Hồng nói: "Mấy con nái lại sắp sinh thêm, trâu bò nhà mình sẽ lại nhiều thêm, cảm ơn vốn vay của Ngân hàng”.



Nhờ đồng vốn của Ngân hàng CSXH, đàn bò của gia đình anh Giàng A Hồng phát triển mạnh. 

Mù Cang Chải là một huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 13/14 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn; tổng hộ nghèo theo rà soát đến cuối năm 2020 là 3.967 hộ, chiếm tỷ lệ hộ 32,08%; hộ cận nghèo là 3.348 hộ, chiếm tỷ lệ 27,08%; trên địa bàn huyện đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 91%... 

Những con số nói trên cho thấy xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trong bậc nhất, vì thế cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể luôn quan tâm đến hoạt động của Ngân hàng CSXH - kênh tín dụng chính sách quan trọng, nguồn lực đáng kể cho công tác xóa nghèo. 

Về phần mình, Ngân hàng CSXH Mù Cang Chải luôn bám sát sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện, các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Ngân hàng CSXH tỉnh giao để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; chủ động báo cáo tình hình hoạt động và tham mưu cho Trưởng Ban đại diện chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Phòng Giao dịch.

Xây dựng chương trình và phối hợp tốt với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện thực hiện tốt các công việc ủy thác; phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra giám sát theo kế hoạch, kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay, tập huấn nghiệp vụ, triển khai sâu rộng ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng của Ngân hàng CSXH và chỉnh sửa những tồn tại sai sót về hoạt động ủy thác sau kiểm tra toàn diện của Ngân hàng CSXH; chủ động rà soát, phân tích số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn theo quyết định phê duyệt của UBND xã, huyện hàng năm; tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình, chủ động trong việc lập và xây dựng kế hoạch tăng trưởng sát với tình hình thực tế; thường xuyên phân tích nhu cầu vay vốn để trình bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. 

Theo thống kê, tổng nguồn vốn năm 2020 của Ngân hàng CSXH Mù Cang Chải đạt 273.132 triệu đồng, tăng 26.305 triệu đồng (10,6%) so với năm 2019; tổng doanh số cho vay năm 2020 đạt 89.049 triệu đồng; 2.016 lượt hộ được vay vốn; tổng dư nợ thực hiện đến 31/12/2020 là 272.784 triệu đồng, tăng 26.529 triệu đồng (tăng 11%) so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch giao (nếu loại trừ các chương trình hết giai đoạn không giải ngân được; đơn vị tăng trưởng thực tế theo kế hoạch được giao là 30.139 triệu đồng); nhiều chương trình vay vốn có số dư lớn như: dư nợ cho vay hộ nghèo là 166.589 triệu đồng, tăng 3.067 triệu đồng (2%) so với đầu năm; dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 37.560 triệu đồng, tăng 14.273 triệu đồng (61%) so với đầu năm; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo là 18.831 triệu đồng, tăng 2.672 triệu đồng (17%) so với đầu năm. 

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi: "Đồng bào vùng cao còn khó khăn nhưng thực thà, tốt bụng, sống ở thôn bản vùng sâu, vùng xa nhưng tin và nghe theo cán bộ, chấp hành tốt chủ trương chính sách. Riêng chuyện vay vốn thì luôn chấp hành đúng các quy định, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả và trả gốc và lãi rất đầy đủ”. 

Nói rồi, anh đưa ra các con số để chứng minh: "Đến 31/12/2020, đơn vị không phát sinh nợ quá hạn; không có món vay 3 tháng không hoạt động; số tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động xếp loại tốt 186/186 tổ, đạt 100% số tổ; tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 100%; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 99,9%; tỷ lệ thu lãi hàng tháng đạt 100%; tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng đạt trên 90%...”. 

Cho hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa vay vốn mà không có nợ quá hạn, thu nợ đến hạn đạt 99,9%, thu lãi hằng tháng 100%. Đúng là những con số trong mơ của bất kỳ cán bộ ngân hàng nào, cũng qua những con số ấy thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thể hiện sự mẫn cán của cán bộ tín dụng nơi đây, họ luôn đồng hành, sát cánh với đồng bào trong việc cho vay và sử dụng đồng vốn. 

Kinh nghiệm rút ra ở đây là phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, phải nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn, phải xây dựng được các mô hình vay vốn và sử dụng vốn thực sự hiệu quả, nói như anh Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh là: "Với đồng bào Mông ở vùng cao, cứ phải người thật, việc thật; trong bản, trong xã có người làm mà phải làm được, làm tốt, chúng ta đưa bà con tới xem, tới nghe, thế là họ sẽ làm theo. Từ quan điểm này, song song với các chương trình tập huấn, tuyên truyền, chúng tôi xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến sử dụng đồng vốn chính sách rồi mời bà con tới tham quan, học tập và làm theo”.

Trong những ngày đầu xuân ở Mù Cang Chải, ngắm nhìn những làng bản đổi mới, chứng kiến cuộc sống đủ đầy hơn của đồng bào Mông nơi đây, tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện kể của anh Hảng A Dò ở bản La Pán Tẩn: "Trước đây, nhà mình nghèo lắm, năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói. Giờ thì khác rồi, khi du lịch phát triển, mình vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH về sửa sang nhà cửa, mua sắm một số trang thiết bị làm Homestay, đón khách du lịch cộng đồng; kinh tế gia đình mình đã rất ổn, không phải nhận gạo cứu đói nữa”. 

Câu chuyện của Hảng A Dò cho chúng ta thấy, một trong những lợi ích của đồng vốn chính sách chính là giúp đối tượng vay không trông chờ ỷ lại, biết tính toán làm ăn và vươn lên trên chính quê hương mình.
Lê Phiên

Tags Mù Cang Chải chính sách giảm nghèo Ngân hàng Chính sách xã hội

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt so với hiện hành.

Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mở ra hướng đi mới cho người trồng khoai sọ.

Nông dân huyện Trạm Tấu rất vui mừng khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm khoai sọ nương, mở ra hướng đi mới cho đồng bào vùng cao phát triển kinh tế.

Múa sênh tiền của đồng bào Mông Nà Hẩu.

Cùng với quan tâm quy hoạch, đầu tư, nâng cấp hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn

Ngày vía Thần tài Tân Sửu 2021 đúng vào thời điểm dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Bởi vậy, các cửa kinh doanh vàng bạc, đá quý trên địa bàn thành phố Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng dịch để khách hàng an tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục