Là phụ nữ trẻ, năng động, chị Đặng Thúy Vui, dân tộc Phù Lá ở thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện về mua đất đồi để trồng rừng. Khi rừng chưa khép tán, chị trồng sắn xen canh để vừa làm sạch cỏ vừa có thu nhập.
Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay, chị Vui có 15 ha trồng rừng; trong đó, có 7,5 ha quế, còn lại là bồ đề, lát. Năm 2006, chị mở cửa hàng tạp hóa; năm 2010 mở tiếp đại lý bán gas và bếp gas.
Nhờ tư duy năng động, làm ăn hiệu quả, nên thu nhập bình quân của gia đình chị hàng năm đạt trên dưới 350 triệu đồng. Hiện, gia chị Vui đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được các tiện nghi đắt tiền.
Chị Triệu Thị Mong, dân tộc Dao ở thôn Minh Khai, xã Quang Minh trước đây là hộ nghèo. Năm 2017, nhận thấy người dân trong xã đang có phong trào trồng quế nhưng chủ yếu mua giống ở nơi khác về nên chị đã vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện về đầu tư làm vườn ươm quế giống để bán.
Vụ đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ cây sống không cao chị tiếp tục học hỏi kinh nghiệm ở những người làm trước và tham gia học các lớp tập huấn về kỹ thuật ươm cây quế giống. Từ đó, giúp chị ươm quế giống ngày càng hiệu quả.
Chị hiện đang ươm 22 vạn cây, xuất bán 18 vạn cây quế giống trồng vụ xuân 2021. Từ mô hình ươm quế giống, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.
Chị Đặng Thị Vui và chị Triệu Thị Mong chỉ là hai trong số rất nhiều phụ nữ DTTS ở huyện Văn Yên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Xác định hỗ trợ phụ nữ nói chung và phụ nữ người DTTS nói riêng về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Văn Yên chỉ đạo các cấp hội tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS trên địa bàn đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức khoa học, kỹ thuật (KHKT) áp dụng vào sản xuất.
Bên cạnh đó, vận động các hội viên phụ nữ tự đóng góp vốn và giúp đỡ nhau về cây, con giống để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Huy động nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ DTTS vay đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống…
Theo đó, năm 2020, Hội đã giúp 82 hội viên thoát nghèo và có 35 hộ hội viên tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Hội cũng đã ký ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên vay vốn với tổng dự nợ 184 tỷ đồng.
Duy trì và thành lập mới được 214 nhóm tiết kiệm với số tiền 5.000 đồng/hội viên/tháng và hiện nay tổng số tiền tiết kiệm của Hội do chị em hội viên tự đóng góp đạt trên 1 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn kịp thời, thuận lợi.
Qua đó, bằng nguồn vốn tự đóng góp, 560 chị em hội viên đã có nguồn vốn vay không lấy lãi. Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề huyện mở 14 lớp chuyển giao KHKT cho 420 hội viên phụ nữ.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay và trang bị kiến thức KHKT về sản xuất, hầu hết các mô hình kinh tế do chị em làm chủ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều gia đình hội viên nghèo, cận nghèo tự vươn lên làm giàu, trở thành hộ khá giả và thoát nghèo bền vững. Sau khi thoát nghèo, nhiều chị đã tham gia hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên nghèo về vốn, cây, con giống để cùng vươn lên thoát nghèo; trong đó, có nhiều hội viên người DTTS.
Hiện, toàn Hội đã có 23 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Chủ tịch LHPN huyện Văn Yên cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục quan tâm tuyên truyền, vận động chị em hội viên phụ nữ vùng nông thôn và hội viên người DTTS đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận KHKT để sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hàng hóa.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội trong việc hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án, đề án phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS.
Chí Sinh