Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, có việc tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới theo quy định của pháp luật, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
UBND tỉnh tăng cường quản lý chất lượng công trình, nhất là công trình nhà cao tầng và công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; quản lý cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng; phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu sử dụng trong tỉnh, ổn định thị trường các vật liệu xây dựng chủ yếu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng không nung; thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý kịp thời, sát thực tế; quản lý tốt giá xây dựng và giá vật liệu xây dựng.
Các đơn vị chủ đầu tư đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình trọng điểm đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; thực hiện tốt duy tu, bảo dưỡng, thường xuyên kiểm tra phát hiện các phát sinh hư hỏng để kịp thời sửa chữa.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đền bù GPMB các dự án nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tiến độ, chất lượng công trình; kiên quyết xử lý, thay thế những nhà thầu có năng lực yếu kém cũng như vi phạm tiến độ thi công các dự án; đẩy nhanh giải ngân, tập trung quyết toán các công trình hoàn thành. Theo đó, một số công trình dự án, trọng điểm của tỉnh, huyện được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 2/2021 diễn ra các hoạt động của tết cổ truyền cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; do đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra muộn và cầm chừng. Vì vậy, tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện trên địa bàn đạt 245,3 tỷ đồng; trong đó, vốn do địa phương quản lý thực hiện được 230 tỷ đồng (chiếm 93,7% tổng số), giảm 13,7% so với tháng trước, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Chia ra: vốn ngân sách Nhà nước thực hiện được 177,1 tỷ đồng, giảm 14,4% so với tháng trước, giảm 6,6% so với cùng kỳ; vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 1,6 tỷ đồng, tăng 9,1% so với tháng trước, tăng 9,3% so với cùng kỳ; vốn vay thực hiện được 41 triệu đồng, giảm 46% so với tháng trước, tăng 17,1% so với cùng kỳ; vốn tự có thực hiện được 214 triệu đồng, giảm 46% so với tháng trước, tăng 17,1% so với cùng kỳ; vốn khác thực hiện được 51 tỷ đồng, giảm 87,7% so với tháng trước, tăng 42,6% so với cùng kỳ; vốn do Trung ương quản lý thực hiện được 15,2 tỷ đồng (chiếm 6,2% tổng số), giảm 3,1% so với tháng trước, giảm 4,1% so với cùng kỳ.
Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: ngay từ đầu năm, các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án chuyển tiếp và công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án khởi công mới. Đặc biệt, đối với công tác bồi thường đền bù, GPMB và hỗ trợ, tái định cư các nhà thầu thi công bảo đảm thực hiện theo đúng cam kết.
Trong tháng, các công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án như: đầu tư xây dựng công trình cầu Cổ Phúc; đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; sửa chữa nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La); cầu Tuần Quán; hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm; chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia; kè chống sạt lở bờ sông Hồng... Dự tính tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước trong 2 tháng đầu năm đạt gần 528 tỷ đồng, bằng 9,9 kế hoạch năm 2021, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, chính quyền các cấp, ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù GPMB các dự án, đặc biệt các dự án được bố trí từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh.
Các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý dự án tiến hành rà soát khối lượng công việc, khả năng hoàn thành kế hoạch vốn được giao, nhu cầu vốn của các công trình để đề xuất phương án điều chuyển, bổ sung hợp lý theo quy định.
Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc đồng thuận, tham gia giám sát các chương trình, dự án trên địa bàn; qua đó, làm tăng tính minh bạch, công khai, tránh lãng phí cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư của Nhà nước.
Quang Thiều