Yên Bái đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Bài 1: Từ định hướng đúng

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2021 | 6:25:01 AM

YênBái - Nghị quyết số 41-NQ/TU/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 xác định rõ công nghiệp phải là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các công ty may của Hàn Quốc đầu tư tại Yên Bái đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Các công ty may của Hàn Quốc đầu tư tại Yên Bái đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Công nghiệp nông thôn là điểm sáng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng…

Không thể phủ nhận, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh những năm qua đã có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Quan trọng hơn, ngành công nghiệp đã được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng. 

Trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với năm 2019; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,6%, cao hơn giai đoạn trước. 

Chiến lược cho phát triển ngành công nghiệp được tỉnh hoạch định căn cơ cho từng giai đoạn. Theo đó, lập và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035; lập bổ sung quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Minh Quân và Cụm Công nghiệp Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. 

Ban hành các chương trình khuyến công, tiết kiệm năng lượng, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. 

Bố trí, lồng ghép các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng tỷ lệ lấp đầy một số khu, cụm công nghiệp và thành lập thêm 2 cụm công nghiệp Bảo Hưng và Minh Quân theo cơ chế doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. 

Năm 2020, vượt qua một năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với kịch bản phát triển kinh tế được thực hiện linh hoạt trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định. 

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.878 tỷ đồng, tăng 9,2%. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với năm 2019. 

Tại thành phố Yên Bái, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt trên 5.583 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, vượt 24% kế hoạch của Thành ủy. 

Như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái (Ypharco) đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ông Nguyễn Bảo Long - Phó Giám đốc Công ty phân tích: tác động của dịch Covid-19 là nguyên nhân làm hạn chế hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới, trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào chủ yếu nhập từ nước ngoài. 

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các mặt hàng dược phẩm trên trang bán hàng online ngày càng gay gắt… Có chiến lược đón đầu phát triển phù hợp với xu hướng thị trường, doanh thu năm 2020 của Công ty tăng 49%, đạt trên 126 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị đầu tư cơ sở sản xuất số 2 tại Khu Công nghiệp Âu Lâu. 

Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái năm vừa qua đã thu hút mới được thêm 4 doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tại cụm công nghiệp này hiện thu hút tổng số 6 dự án đầu tư với tổng vốn 223,5 tỷ đồng. 

Khu Công nghiệp Âu Lâu đã có Công ty TNHH Unico Global YB đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy, giải quyết việc làm cho hơn 1.800 công nhân; trong đó, có hơn 200 lao động của xã Âu Lâu. Hoạt động của các doanh nghiệp, Khu Công nghiệp Âu Lâu trong năm qua đã thu hút, tạo việc làm cho trên 1.300 lao động của địa phương. 

Xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Yên Bình năm 2020 đã chủ động đưa ra các giải pháp để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp. Đã thu hút được 80 dự án vào đầu tư trên địa bàn, với tổng số vốn đăng ký trên 15.500 tỷ đồng và 9,6 triệu USD. 

Nhiều chương trình, dự án có vốn đầu tư lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư như Nhà máy Chế biến gỗ Kim Gia có tổng công suất ván dán 40.000 m3/năm hay nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển NEVN công suất 150MW/ năm, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng... Nền kinh tế phục hồi nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện hết năm 2020 đạt trên 3.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. 

Để công nghiệp thực sự tạo đột phá, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng; hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp… 



Một góc Khu công nghiệp phía Nam thành phố Yên Bái. 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp phía Nam, Khu Công nghiệp Minh Quân và Khu Công nghiệp Âu Lâu tổng diện tích quy hoạch là 632 ha. Đã có 61 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 62 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 11.828 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký sử dụng 345 ha. 

Riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 40 dự án đầu tư. Tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 185,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp; trong đó, có 2 cụm công nghiệp thành lập mới, 1 cụm công nghiệp chuyển đổi từ khu công nghiệp (Cụm Công nghiệp Bắc Văn Yên), tổng diện tích là 548,78 ha; đã thu hút 11 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 508,959 tỷ đồng, diện tích sử dụng 30,385 ha. 

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí trên 260 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. 

Đã có khoảng trên 260 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, có 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 68.147,6 tỷ đồng và 247,88 triệu USD, gồm: lĩnh vực nông lâm nghiệp 23 dự án, tổng vốn đăng ký 1.834,2 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp 168 dự án, tổng vốn đăng ký 48.589,3 tỷ đồng và 247,08 triệu USD; lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác 73 dự án, tổng vốn đăng ký 17.724,1 tỷ đồng và 0,8 triệu USD.

Năm 2020, thu hút 2 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký là 13 triệu USD, tương đương khoảng 250 tỷ đồng. Yên Bái đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp chiến lược như: Tập đoàn Bảo Lai, Tập đoàn An Phát, các công ty may của Hàn Quốc, Tập đoàn NipponZoki Nhật Bản... đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có giá trị bền vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu với các sản phẩm đá vật liệu xây dựng cao cấp, hạt nhựa, sản phẩm may mặc, nông - lâm sản chế biến... 

Với định hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc, tỉnh Yên Bái xem trọng việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, phù hợp tiềm năng của tỉnh.       
                            
Minh Thúy
Bài 2: Chú trọng các ngành lợi thế

Tags Yên Bái công nghiệP động lực

Các tin khác
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đàn bò của gia đình bà Hà Thị Đường đã phát triển.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Minh Tiến (Lục Yên) đã và đang đạt được những kết quả tốt, vùng quê núi đang dịch chuyển theo hướng nông thôn mới. Đóng góp vào thành tích chung ấy không thể không kể tới nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ruộng bậc thang ở huyện vùng cao biên giới Mường Tè, Lai Châu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Cục Thuế Hà Nội hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế.

Trong các trường hợp này, có cá nhân có số thuế thu nhập cá nhân phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm thương mại, tài chính khu vực Đông Nam Á

Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục