Những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) toàn tỉnh ngày càng hiệu quả. Những cánh rừng đã và đang hồi sinh không chỉ tạo nguồn sinh thủy bảo vệ môi trường mà còn là nguồn thu đáng kể, tạo sinh kế cho người dân từ vùng thấp đến vùng cao.
Những kết quả trên bắt nguồn từ sự chỉ đạo, đầu tư tiền của ngân sách Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, ngành và của người trồng rừng, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động thu phí, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Ông Tô Xuân Quý - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phấn khởi nói: "Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều lợi ích to lớn không chỉ cho một bộ phận nhân dân sống gần rừng và sống bằng nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Bình quân mỗi năm Quỹ chi trả hàng chục tỷ đồng cho các chủ rừng theo quy định. Từ nguồn sinh kế này, đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng và bảo vệ rừng. Quan trọng hơn là công tác QLBVR được hiệu quả, bền vững đã làm thay đổi ý thức người dân từ chặt phá, khai thác rừng sang trồng và tu bổ rừng”.
Theo đó, trong nhiều năm gần đây, tỉnh thực hiện tốt QLBVR, gắn với chi trả phí DVMTR. Xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR để làm căn cứ xây dựng kế hoạch điều chỉnh thu, chi; do đó, năm 2020, diện tích rừng được chi trả DVMTR là 199.496 ha (diện tích quy đổi 179.679 ha).
Trong đó, chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp 110.270,14 ha (diện tích quy đổi 102.509,78 ha); chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân 28.341,96 ha (diện tích quy đổi 22.472,53 ha); chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, bản 82,84 ha (diện tích quy đổi 73,2 ha); diện tích rừng do UBND xã quản lý 60.801,92 ha (diện tích quy đổi 54.623,52 ha).
Trong đó, UBND xã tổ chức quản lý bảo vệ 56.349,92 ha (diện tích quy đổi 51.074,97 ha); diện tích rừng hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản trồng rừng ổn định lâu dài không tranh chấp lấn chiếm nhưng chưa được Nhà nước giao đất 4.452,00 ha (diện tích quy đổi 3.548,55 ha). Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR cũng được đặc biệt quan tâm.
Trong năm 2020, Ban Điều hành Quỹ đã ký mới 7 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Điện lực Xuân Tầm (Nhà máy Thủy điện Nà Hẩu); Công ty TNHH Nghĩa Văn (cụm nhà máy nước sinh hoạt Thạch Lương); Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát; Công ty TNHH Thương mại Nam Cường; Công ty TNHH Tân Tiến; Công ty Phát triển số 1 - TNHH Một thành viên; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Nhà máy Thủy điện Pá Hu) đưa tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 47 hợp đồng (59 cơ sở); trong đó, sản xuất thủy điện là 23 hợp đồng (27 cơ sở); sản xuất, kinh doanh nước sạch là 8 hợp đồng (9 cơ sở); sản xuất công nghiệp là 16 hợp đồng (23 cơ sở).
Trong năm 2020, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thu được 110.329 triệu đồng và đã chi trả tiền DVMTR năm 2019 cho các bên cung ứng DVMTR là 121.713 triệu đồng; trong đó, chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp trên 70.756 triệu đồng; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân là 13.499 triệu đồng; chủ rừng là cộng đồng dân cư 43,9 triệu đồng và UBND xã 37.414,2 triệu đồng (chi cho diện tích rừng do UBND xã tổ chức quản lý 35.285,1 triệu đồng; chi cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản trồng rừng ổn định lâu dài không tranh chấp lấn chiếm nhưng chưa được Nhà nước giao đất thông qua UBND xã 2.129,1 triệu đồng)…
Cùng đó, Ban Điều hành Quỹ chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết, tiếp cận chính sách chi trả DVMTR. In ấn, cấp phát trên 40.000 tờ rơi về QLBVR gắn với chi trả DVMTR. Tổ chức 20 lớp tập huấn với 970 lượt người tham dự về quản lý, giao khoán bảo vệ rừng gắn với chi trả DVMTR trên địa bàn 8 huyện, thị xã: Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trạm Tấu, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ… Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số công ty, đơn vị sử dụng DVMTR chưa thực hiện nộp tiền DVMTR theo đúng thời gian quy định.
Việc gắn DVMTR với bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng trong phát triển rừng bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường. Quan trọng hơn là đã tạo nguồn thu cho người dân vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, người dân gắn bó với rừng hơn và trở thành một nghề không thể thiếu ở nông thôn.
Ngọc Trúc