Những thông tin về việc tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez đã được "nổi trở lại thành công" vào sáng 29/3, và "hướng của con tàu đã được điều chỉnh lại tới 80%...” cho thấy khả năng tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng này sắp được "giải cứu”.
Tuy nhiên, ít người biết được tuyến vận tải hàng hải này có tầm quan trọng như thế nào trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Và nếu như tuyến vận tải này bị sự cố thì còn cung đường nào cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam? Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết vai trò của tuyến hàng hải đi qua kênh đào Suez trong xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam?
Ông Trần Thanh Hải: Kênh đào Suez là tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới, và đối với Việt Nam thì đây cũng là tuyến đường cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, kể cả một phần của khu vực miền đông nước Mỹ.
Hiện nay châu Âu đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều. Chúng ta cũng đã ký được các hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) với Anh (UKVFTA) và với khu vực EAEU - của các nước Đông Âu. Do vậy lưu lượng thương mại của chúng ta gia tăng cũng đồng nghĩa với khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez cũng tăng tương ứng.
Theo số liệu qua 2 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu của chúng ta với khu vực châu Âu cũng đã có những tăng trưởng rất tích cực - với con số tăng xuất khẩu là 18% và tăng nhập khẩu là 12%. Điều này cho thấy vai trò của kênh đào Suez rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Âu.
PV: Vậy cụ thể cho đến thời điểm hiện nay chúng ta đã tính được mức độ ảnh hưởng hàng hóa của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay ngoài một số lượng hàng hóa không lớn được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt thì về cơ bản các hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu chúng ta vẫn vận chuyển thông qua đường biển - qua kênh đào Suez.
Với kim ngạch của hai tháng đầu năm nay chúng ta xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Âu khoảng 7 tỷ USD thì mỗi một ngày lưu lượng trao đổi hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam sang khu vực EU đạt kim ngạch ở mức khoảng 100 triệu USD.
Việc ùn tắc ở kênh đào Suez sẽ làm cho giao dịch thương mại bị chậm lại đáng kể. Từ đó sẽ phát sinh các chi phí. Và đương nhiên các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng tới các tiến độ giao hàng cũng như chiều nhập khẩu các nguyên liệu để sản xuất hàng hóa ở Việt Nam.
PV: Thưa ông, cho đến thời điểm hiện nay thì cũng đã có những thông tin, những tín hiệu tốt từ việc giải cứu con tàu ở kênh đào Suez. Tuy nhiên trước đó cũng đã có những vấn đề đặt ra của việc thay đổi hướng vận chuyển hàng hóa khi kênh đào gặp sự cố?
Ông Trần Thanh Hải: Một phương án chúng ta cũng thấy là các tàu vượt đại dương có thể đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để sang Đại Tây Dương và lên phía châu Âu. Tuy nhiên tuyến đường này sẽ đòi hỏi hành trình dài thêm từ 10 - 15 ngày và đương nhiên chi phí cũng sẽ tốn kém thêm rất là nhiều. Vì vậy hiện nay các hãng tàu trên thế giới đều đang xem xét khả năng, theo dõi chặt chẽ tiến độ giải cứu con tàu ở kênh đào Suez. Nếu như việc giải cứu này kéo dài thì việc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng sẽ là phương án tính đến.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì do hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam được chất xếp ở trên những con tàu khác nhau, và với các hàng hóa từ nhiều các chủ hàng từ các quốc gia khác nhau thành ra việc điều hướng con tàu chuyển hướng đi sang tuyến đường đi qua Mũi Hảo Vọng cần phải có sự trao đổi thông tin chặt chẽ với các hãng tàu cụ thể để nắm bắt được tình hình và có việc thay đổi đường đi hay không.
PV: Từ sự cố này thì đặt ra điều gì cho Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Đây là một vấn đề của lĩnh vực vận tải, của hoạt động Logistic nhưng nó lại có tác động cực kỳ quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại. Chúng ta thấy rằng, trong bối cảnh như hiện nay, với những tác động về mặt chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh… có ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động lên phương án để thích ứng và có thể chống chịu với những biến động có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, xảy ra ở bất kỳ đâu gây tác động đến chuỗi cung ứng. Và cũng cần chủ động các phương án dự phòng trong những trường hợp bất lợi để chúng ta có thể có cách xử lý và giảm thiểu được những thiệt hại do các trường hợp bất lợi gây ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo VOV)