Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn, những ngày qua, huyện Yên Bình đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để nhân dân chủ động phòng chống dịch cho đàn vật nuôi; đồng thời, triển khai các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc gia cầm nhập lậu và vận chuyển gia cầm từ nơi có dịch vào địa bàn huyện.
Là một trong những hộ chăn nuôi vài nghìn con gia cầm mỗi lứa ở xã Ngọc Chấn, gia đình anh Nông Văn Tài cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
Anh Tài chia sẻ: "Theo kinh nghiệm chăn nuôi, thời điểm giao mùa là thời kỳ dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hiện, gia đình nuôi 2.000 - 3.000 con gia cầm và chăn nuôi là nguồn thu nhập chính nên ngoài việc tiêm phòng vắc - xin và dùng thuốc phòng bệnh cho gia cầm đúng định kỳ, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt việc vệ sinh chuồng trại và phun khử trùng tiêu độc. Bởi vậy, đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh, hạn chế được rủi ro.
Với diện tích vườn rộng hơn 1 ha đầu tư phát triển mô hình nuôi gà công nghiệp, anh Nguyễn Văn Thành, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh bộc bạch: "Trước tình hình diễn biến phức tạp của DCGC, bên cạnh việc thường xuyên cập nhật kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật phòng bệnh, tôi cho rằng biện pháp đơn giản nhất để phòng dịch đó là tuân thủ tốt việc khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tiêm phòng bệnh đảm bảo định kỳ”.
Gia đình anh Thành hiện đang nuôi 4.000 con gà thịt/lứa, bình quân nuôi 2 - 3 lứa/ năm và sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình đã cấp trên 800 lít thuốc khử trùng tiêu độc cho các xã, thị trấn trong huyện để cấp phát tới các hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, giết mổ; tăng cường chỉ đạo cán bộ xuống cơ sở và đã tổ chức được trên 100 lớp tập huấn và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc - xin phòng dịch bệnh, kỹ thuật phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại cho các hộ chăn nuôi; thường xuyên bám nắm cơ sở, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong đàn gia cầm để kịp thời có hướng xử lý.
Duy trì công tác phối hợp kiểm tra rà soát việc lưu thông, vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn huyện; nghiêm cấm hành nghề đối với các cơ sở giết mổ, buôn bán thực phẩm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, nhất là việc tiêu thụ, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa phương; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục trong quá trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.
Với nhiều biện pháp tích cực, quyết liệt, chắc chắn sẽ đảm bảo cho ngành chăn nuôi của huyện Yên Bình phát triển ổn định; trong đó, ổn định tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên 637 nghìn con.
Phạm Minh