Năm 2015, gia đình anh Đinh Văn Thành, thôn Minh Nội xã Gia Hội được người thân ở Đắc Lắc giúp mua 400 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm xen vào diện tích chè Shan. Do không có kinh nghiệm chăm sóc, anh để cây mắc ca mọc tự nhiên.
Sau 4 năm trồng, nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt, có khả năng vừa cho quả vừa làm cây bóng mát cho chè nên gia đình anh đã tập trung chăm sóc cây cùng với diện tích chè Shan. Năm 2020, mặc dù chỉ mới có một số cây cho bói quả, anh Thành đã thu hơn 1 tạ quả. Dù số lượng chưa nhiều, nhưng với giá thị trường trên 50.000 đồng/kg, anh Thành rất phấn khởi với cây trồng này.
Cùng với gia đình anh Thành, những năm qua, một số hộ ở thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Chấn Thịnh, Đại Lịch đã thử nghiệm trồng số ít diện tích cây mắc ca và hầu hết cây sinh trưởng, xanh tốt quanh năm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên số cây cho quả đậu thấp, sản lượng ít, chưa có đầu ra nên người dân chưa tập trung mở rộng diện tích.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng sinh trưởng của cây mắc ca tại địa phương, năm 2020, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, huyện Văn Chấn đã thử nghiệm trồng 5 ha cây mắc ca tại xã Gia Hội. Cây mắc ca được trồng xen chè Shan với mật độ 150 cây/ha. Qua hơn 6 tháng trồng, chăm sóc, cây mắc ca đã sinh trưởng thêm 70 - 80 cm.
Ông Nguyễn Hữu Lanh - một trong 16 hộ tham gia mô hình trồng cây mắc ca ở thôn Hải Chấn, xã Gia Hội chia sẻ: "Chúng tôi thấy cây mắc ca sinh trưởng và phát triển rất khỏe và ngay cả trong điều kiện thời tiết giá lạnh cây vẫn xanh tốt. Theo tôi, việc trồng mắc ca xen chè sẽ có hiệu quả vừa là cây bóng mát vừa là cây lấy quả có giá trị. Nếu cây cho năng suất như dự kiến thì giá trị mỗi héc - ta mắc ca xen chè có thể đạt 300 - 400 triệu đồng. Vì vậy, bà con chúng tôi rất phấn khởi và mong muốn được hỗ trợ cây giống để mở rộng thêm diện tích”.
Từ những tín hiệu khả quan bước đầu, năm 2021 huyện Văn Chấn đang chủ trương mở rộng mô hình ra một số xã vùng thượng huyện; đồng thời, đề nghị tỉnh hỗ trợ triển khai đề án hỗ trợ trồng cây mắc ca. Thực hiện chủ trương này, huyện đã phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức các hội thảo, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và giải đáp những thắc mắc của người dân khi trồng cây mắc ca. Đa số người dân đều rất hào hứng với giá trị và khả năng phát triển của cây mắc ca.
Tuy nhiên, người dân lo lắng là giá trị đầu tư lớn, phải mất 5 năm trở lên mới cho thu hoạch, trong khi điều kiện thời tiết miền Bắc không phù hợp vì cây mắc ca là cây nhiệt đới. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm này vẫn chưa thực sự ổn định.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đánh giá: "Qua khảo nghiệm các mô hình trồng mắc ca ở miền Bắc, chúng tôi thấy rất có khả quan. Trước đây, chúng tôi cũng lo lắng ở miền Bắc thời điểm mắc ca ra hoa thường có mưa xuân ảnh hưởng đến việc thụ phấn, đậu quả. Nhưng thực tế, mắc ca có dạng hoa treo, mưa nhỏ chỉ ảnh hưởng phần dưới còn ở các vườn chúng tôi đi tham quan tỷ lệ đậu quả vẫn rất cao. Có thể hiệu quả trồng Mắc ca không cao như ở khu vực Tây Nguyên, nhưng có thể thấy thổ nhưỡng, khí hậu khu vực Văn Chấn hoàn toàn có thể đưa cây mắc ca vào trồng để phủ xanh những đồi chè, đồi trọc giúp nông dân tăng gấp đôi, gấp ba lợi nhuận”.
Thực tế, mắc ca hiện là cây trồng mới có giá trị rất cao. Tuy nhiên, nếu trồng mắc ca tập trung với mật độ 250 cây/ha và trồng xen mật độ 150 cây/ha cộng với chi phí phân bón trong 5 năm thì mỗi héc - ta đến khi bắt đầu cho thu hoạch phải đầu từ từ 100 - 150 triệu đồng tiền cây giống và phân bón. Vì vậy, dù rất quan tâm nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đăng ký trồng tập trung. Theo lãnh đạo xã Gia Hội, hiện việc trồng Mắc ca tập trung trên diện tích lớn đòi hỏi người dân phải chuyển đổi nhiều diện tích vì diện tích đất trống còn rất hạn chế. Trong khi chi phí ban đầu rất lớn, điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn thì việc trồng xen mắc ca vào diện tích chè Shan là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất.
Nếu được hỗ trợ về cây giống, khoa học, kỹ thuật cùng đầu ra cho sản phẩm thì trong tương lai không xa, huyện Văn Chấn sẽ là địa phương có diện tích cây mắc ca khá lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế vùng cao.
Trần Van