Trong Top 10 tỉ phú thế giới vừa được công bố, các tỉ phú gắn với doanh nghiệp của họ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ gồm: Jeff Bozos với Amazon, Elon Musk với Tesla và SpaceX, Bill Gates với Microsoft, Mark Zuckerberg đang làm CEO của Facebook, Larry Ellison là đồng sáng lập và chủ tịch công ty phần mềm lớn thứ 2 thế giới Oracle, "cặp đôi” Larry Page và Sergey Brin là đồng sáng lập Google.
Tổng cộng, 7/10 tỉ phú trong Top 10 thế giới xuất thân từ công nghệ, sáng lập ra công ty công nghệ, thậm chí không chỉ giữa vai trò CEO (tổng giám đốc điều hành) mà còn kiêm cả chức giám đốc công nghệ (CTO).
Đối với các "ông lớn” công nghệ thế giới, vị trí CTO thường được ví là "cái đầu khủng”, chuyên phát kiến, dẫn dắt, định hướng công nghệ cho cả tập đoàn không ngừng sáng tạo và đổi mới để có thể cạnh tranh mạnh mẽ và tồn tại.
Một đơn cử thú vị là Amazon, lâu nay thường được biết đến nhiều hơn ở mảng thương mại điện tử. Tuy nhiên trên thực tế, "con gà đẻ trứng vàng” cho tập đoàn này lại là công ty Amazon Web Services – nhánh chuyên kinh doanh về trung tâm dữ liệu hiện chiếm thị phần số 1 thế giới và cũng là trung tâm của các sáng tạo công nghệ, dịch vụ mới.
Trong 6 tỉ phú đôla của Việt Nam vừa được Forbes cập nhật, ngành nghề tương đối đa dạng, từ bất động sản đến dịch vụ vận chuyển hàng không, đến sản xuất công nghiệp (thép, ôtô), tài chính ngân hàng, thực phẩm, bán lẻ.
Như vậy có thể thấy, chưa có tỉ phú nào trong Top 6 tỉ phú đôla tại Việt Nam với doanh nghiệp của họ thuần về hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hay chỉ mới là một phần nhỏ chưa đủ lớn, hoặc đang trong giai đoạn đầu tư và phát triển.
Đơn cử, sản xuất ôtô cũng liên quan tới công nghệ, nhưng hàm lượng sẽ ở mức độ khác nhau tùy theo mức độ của doanh nghiệp hoạt động đang là lắp ráp thuần túy, hay có những nghiên cứu chế tạo từ động cơ cho đến các loại chi tiết, linh phụ kiện khác.
Mỗi chiếc ôtô ngoài cốt lõi là động cơ còn hàng ngàn chi tiết khác, và mỗi chi tiết đều có thể chứa đựng các công nghệ khác nhau. Ngày nay, công nghiệp ôtô đang tiếp nhận, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet vạn vật), 5G, dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa… trong các sản phẩm trào lưu là xe điện, xe tự lái.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, hoạt động doanh nghiệp của các tỉ phú đôla Việt Nam đã có sự chuyển dịch từng phần sang lĩnh vực công nghệ.
Đơn cử tập đoàn Sovico Aviation do tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vietjet Air) đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm CEO, gần đây đã lập ra một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số (digitech) là Galaxy One. Tuy nhiên, công ty này đang dừng ở giai đoạn khởi nghiệp.
Sự chuyển dịch lớn nhất sang lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) được biết đến rộng rãi chính là Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Ngoài 2 công ty con sản xuất ôtô VinFast và các thiết bị di động, điện tử VinSmart thuộc khối sản xuất công nghiệp, Vingroup còn đầu tư vào nhiều trung tâm nghiên cứu như về AI, dữ liệu lớn, công ty về an ninh mạng, phần mềm, thanh toán điện tử…
Cùng với sự chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp ICT và nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, Vingroup đã "chặt” bớt các nhánh thuần về thương mại dịch vụ như dự án hàng không Vinpearl Air, chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart, chuỗi bán lẻ điện thoại và sản phẩm số Viễn Thông A sau khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua lại chưa lâu…
(Theo Lao động)