Cần tiếp tục có những chính sách đúng và trúng để phục hồi kinh tế
Phục hồi - hai chữ này bắt đầu được nhắc đến đâu đó, khi nói về kinh tế thế giới năm 2021. Vaccine đã bắt đầu tiêm, tốc độ sản xuất vaccine đẩy nhanh và nhiều nước áp dụng các giải pháp chính sách chưa từng có để vực dậy nền kinh tế.
Hội nghị mùa xuân thường niên của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế là sự kiện quen thuộc hàng năm, với các dự báo, phân tích về sức khoẻ kinh tế toàn cầu. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp sự kiện phải tổ chức trực tuyến do dịch bệnh. Năm nay, vấn đề COVID-19, vaccine phòng dịch, chính sách khôi phục kinh tế vẫn là những nội dung chính. Tuy nhiên, đã có những khác biệt so với hội nghị năm 2020. "Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm" là ý kiến nhiều nhà phân tích và giới chuyên gia cùng đồng tình, khi nói về những gì kinh tế thế giới đang trải qua ở thời điểm hiện tại.
Ngay tại phiên khai mạc hội nghị mùa xuân, Quỹ tiền tệ quốc tế đã có những dự báo cập nhật nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay. IMF tiếp tục điều chỉnh dự báo theo hướng tích cực hơn, và nâng tăng trưởng dự đoán lên mức cao nhất ghi nhận trong vòng hơn 40 năm.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 6%, so với mức 5,5% mà chính IMF đưa ra hồi tháng 1. Theo IMF, các gói cứu trợ kinh tế lớn của các nước cùng quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên mức cao kỷ lục.
Bà Gina Gopinath, Chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: "Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra trong tất cả các khu vực và ở khắp các nhóm thu nhập, tùy thuộc vào sự khác biệt về tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố cấu trúc như sự phụ thuộc vào du lịch".
Báo cáo của IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tất cả các khu vực kinh tế lớn. Mỹ tăng lên 6,4%. Trung Quốc 8,4%. Nhật Bản 3,3%. Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (EUROZONE) 4,4%. Các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển khu vực châu Á đạt 8,6%.
Đối với Việt Nam, IMF nhận định, bất chấp đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 6,5%, và dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng 7,2%.
IMF đánh giá, các nền kinh tế phát triển trong năm nay và thời gian tiếp theo sẽ ít chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 hơn so với những gì các nước chậm phát triển hay các nền kinh tế mới nổi phải sẽ phải hứng chịu.
Triển vọng hồi phục được tin tưởng khi nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng các giải pháp chính sách chưa từng có để tạo lực đỡ cho nền kinh tế. Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, cũng hối thúc thế giới duy trì các gói hỗ trợ tài chính với quy mô đáng kể, để đảm bảo giữ vững đà hồi phục hiện tại. Tại cuộc họp Bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, còn gọi là G20, một sự kiện bên lề Hội nghị kinh tế mùa xuân năm nay, các hợp tác về chính sách kinh tế để cùng phục hồi, hướng tới sự phục hồi cân bằng là điểm nổi bật được đề cập.
Giãn nợ các nước nghèo, cùng phục hồi sau đại dịch
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa có cuộc họp trực tuyến. Nhiều nội dung quan trọng đã được đem ra bàn thảo trong hội nghị này nhằm hỗ trợ các nước phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G20 đã nhất trí tiếp tục giãn nợ cho các nước nghèo nhất thêm 6 tháng, đến tháng 12 năm nay để tập trung nguồn lực vào đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế. Chương trình giãn nợ cho các nước nghèo bị cho là chưa hiệu quả. Mới chỉ có 46 trong số 73 quốc gia đủ điều kiện hoãn trả với tổng giá trị 5,7 tỷ USD.
Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận định: "Các nước nghèo đang gặp bế tắc trước các khoản nợ nần chồng chất và sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận nguồn tín dụng".
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế, nói: "Cho đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ 86 quốc gia với hơn 110 tỷ USD bằng nhiều công cụ khác nhau".
Mexico và Argentina, 2 thành viên của G20 kêu gọi các chủ nợ quốc tế giãn nợ cho cả các nước có thu nhập trung bình. Nơi có nhiều người dân đang bị rơi vào tình trạng cực nghèo do đại dịch. Ước tính của Ngân hàng thế giới, năm 2020 dịch COVID-19 đã đẩy thêm 120 triệu người vào diện cực nghèo.
Hội nghị lần này ủng hộ với đề xuất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng mức tiền dự trữ lên 650 tỷ USD giúp các nước nghèo được hưởng thêm các khoản vay với lãi suất thấp.
Ông Daniele Franco, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, cho biết: "G20 kêu gọi IMF đưa ra đề xuất về việc phân bổ chung 650 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn trên toàn cầu để bổ sung tài sản dự trữ".
Tại hội nghị, nhóm G20 cũng thảo luận về đánh mức thuế tối thiểu chung cho các tập đoàn đa quốc gia. Quy định này nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp. Các nước G20 đặt mục tiêu sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề này tại kỳ họp vào tháng 7 tới.
Thách thức phục hồi kinh tế toàn cầu
Dự báo lạc quan, nhưng các định chế tài chính hàng đầu thế giới vẫn thận trọng khi đề cập tới các bất trắc, có thể ảnh hưởng đến qúa trình phục hồi. IMF từng miêu tả sự phục hồi kinh tế toàn cầu, như một quá trình sẽ kéo dài, không đồng đều, bấp bênh và còn thiếu chắc chắn. Sẽ còn nhiều biến số chi phối, như tiến trình tiêm chủng, thời gian khống chế đại dịch, hay thời gian duy trì các biện pháp hỗ trợ.
Hội nghị của IMF và WB là về triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu nhưng tăng trưởng là dự báo về tương lai, dựa trên dữ liệu đang có - liên quan tới tình hình dịch bệnh, chính sách tiền tệ… Đã là dự báo thì có nghĩa trong phương trình về sự phục hồi, có tồn tại những biến số, theo nhân vật số 2 tại IMF.
Ông Geoffrey Okamoto, Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cho biết: "Những bất định về phục hồi là cực kỳ lớn. Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu là không toàn diện và không cân bằng".
Khác biệt về chính sách hỗ trợ
Theo thống kê của IMF, các quốc gia trên thế giới đã chi tổng cộng 18 nghìn tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ tài chính. Các quốc gia phát triển dành trung bình 13% GDP cho các gói hỗ trợ. Con số này - với các quốc gia thu nhập trung bình chỉ là 4%, với nước thu nhập thấp là 2% GDP. Sẽ có sự phân hóa ngày càng lớn giữa các nước sau đại dịch. Đã có thêm 90 triệu người trên toàn thế giới xuống dưới ngưỡng nghèo đói cùng cực kể từ khi đại dịch bùng phát.
Bất định về hiệu quả của chính sách hành động
Các quốc gia trên thế giới đều có các biện pháp kích thích và hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng không phải tất cả đều hiệu quả, hay không có rủi ro. Nhiều nước có dư địa tài khóa hạn chế, có nợ cao, thì đồng nghĩa tự đặt mình vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương hơn.
Bất bình đẳng về khả năng tiếp cận vaccine
Kiểm soát dịch bệnh càng sớm thì khả năng phục hồi và quay trở lại đà tăng trưởng của các quốc gia càng nhanh. Có 2 yếu tố đang khiến việc kiểm soát dịch bệnh tạo sự thiếu chắc chắn trong triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, đó là khả năng tiếp cận vaccine. Các nước giàu đang có tốc độ tiêm chủng vượt xa nước nghèo. Các nước nghèo không thể tiêm chủng đại trà ngay trong năm 2021. Đại dịch sẽ không được dập, nếu còn bất cứ quốc gia nào còn dịch. Và thứ 2, đó là sự xuất hiện của những biến chủng mới, làm phức tạp thêm tình hình dịch, trì hoãn sự phục hồi.
Tham gia cùng chương trình Toàn cảnh thế giới phát sóng ngày 11/4 là Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhà bình luận quen thuộc trong các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính ngân hàng. Ông Lực cũng từng có thời gian làm việc tại Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Cục dự trữ liên bang Mỹ FED.
(Theo VTV)