Gia đình anh Nguyễn Văn Công, thôn Gò Cấm, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên có 3 con bò xuất hiện các biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục như: sốt nhẹ, kém ăn; tại vùng yếm, vú và trên da toàn thân nổi nhiều nốt sần cục cứng. Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, một trong 3 con có biểu hiện bệnh nặng đã bị tiêu hủy, hai con còn lại có thể bệnh nhẹ vẫn đang được gia đình chữa trị. Qua theo dõi lâm sàng, bệnh viêm da nổi cục trên 2 con bò còn lại có dấu hiệu giảm, không cần phải tiêu hủy.
Trong hai con bò của gia đình bà Hoàng Thị Xây ở thôn Quăn, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, bê con có triệu chứng đau chân và có nốt sần từ ngày 15/4, sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virut bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, cả hai con bò đều mắc bệnh song gia đình cũng không rõ nguyên nhân từ đâu vì chỉ chăn thả quanh nhà.
Ngay sau khi nhận được thông tin tình hình dịch bệnh tại 3 địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút không gây bệnh trên người. Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh, đốt trâu bò dịch bệnh lây lan nhanh. Hiện tại bệnh này chưa có thuốc đặc trị mà phòng ngừa chủ yếu bằng tiêm phòng vắc xin.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra từ ngày 29/3 trên trâu, bò của 7 hộ, tại 7 thôn/bản, thuộc 6 xã của 3 huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Yên Bình. Đến ngày 21/4, tổng số bò có triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục là 12 con, tổng số bò đã tiêu hủy là 5 con với tổng trọng lượng 973 kg.
Ngay sau khi nhận được thông tin tình hình dịch bệnh tại 3 địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cùng với việc hướng dẫn các hộ nông dân biện pháp phòng chống dịch bệnh; thông tin về tình hình dịch bệnh, tiêu hủy và cách ly gia súc mắc bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thuốc diệt ruồi, muỗi…
Các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thuốc diệt ruồi, muỗi…
Được biết, tỉnh Yên Bái đã đăng ký mua 10.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp 5.500 liều vắc xin viêm da nổi cục cho 2 huyện Văn Chấn (4.500 liều) và Trấn Yên (1.000 liều) để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc trong thời gian sớm nhất.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc ra, vào các ổ dịch. Đồng thời rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn để chủ động trong quản lý, theo dõi giám sát dịch bệnh và chuẩn bị các điều kiện triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Yên Bái kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bảo vệ tốt "đầu cơ nghiệp" của người nông dân.
Mạnh Cường – Hoài Văn