Nhằm tăng cường kiến thức chuyển giao KHKT về cây trồng, vật nuôi cho hội viên, hàng năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức trên 300 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 21.000 lượt hội viên về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ đưa các loại giống cây trồng có chất lượng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương; hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp; tư vấn về thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Do được tập huấn, hội viên đã đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở 5.950 ha lúa nước/năm, trồng trên 6.000 ha ngô, 4.500 ha sắn và gần 3.000 ha cây màu các loại, tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt trên 56.011 tấn.
Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: "Thời gian gần đây, các cấp hội cơ sở luôn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả đã thu hút đông đảo hội viên tham gia như: giúp nhau phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi khó khăn… Chúng tôi còn tổ chức các đoàn kiểm tra tập trung vào chương trình vay vốn ủy thác qua các hệ thống ngân hàng; hoạt động của quỹ hội; việc cung ứng phân bón trả chậm, tổ chức sinh hoạt và thông tin về các chương trình hỗ trợ; phát động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới… góp phần xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh”.
Để giúp hội viên phát triển sản xuất, hàng năm Hội đã phối hợp với Công ty Phân bón Apatit Lào Cai cung ứng trên 1.000 tấn phân bón NPK trả chậm cho hội viên. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua 98 tổ tiết kiệm, tạo điều kiện cho 3.497 hội viên vay với số tiền trên 126 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua 32 tổ vay vốn với 610 hộ vay, số tiền trên 46 tỷ đồng. Do tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay đã hạn chế tình trạng nợ quá hạn xảy ra.
Từ nhiều hoạt động vay vốn, Phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn huyện thời gian gần đây đã tạo sức lan tỏa rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao. Hội viên đã tích cực lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh…
Toàn huyện hiện có 6.075 hộ hội viên đạt danh hiệu SXKDG, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như hộ hội viên: Phạm Thị Tươi, tổ dân phố số 1, thị trấn Mậu A với mô hình xưởng chế biến gỗ rừng trồng, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; ông Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp với mô hình trồng, chăm sóc và chế biến vỏ quế, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Quang Huy, thôn Phúc Sơn, xã Yên Phú với mô hình kinh doanh và dịch vụ sửa chữa điện nước, thu nhập gần 500 triệu đồng/năm…
Các hộ hội viên khá, giàu còn giúp hộ nghèo về kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp nhau vốn, cây, con giống, tạo việc làm cho con, em hộ nghèo… với giá trị trên 300 triệu đồng/năm. Tại các xã, thị trấn, hội viên còn thành lập được 18 tổ hợp tác xã, tổ chức liên kết trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo động lực thi đua lao động sản xuất phát triển.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Văn Yên xác định, tiếp tục tăng cường hướng về cơ sở; tích cực vận động hội viên tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi… Phấn đấu hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ Hội cấp trên đề ra.
Thạch Phong