Tuy nhiên, từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững.
Con số biết nói
Cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, cơ chế, chính sách hỗ trợ và cùng với ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình của hàng vạn hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao đã làm nên "kỳ tích” trong sản xuất nông - lâm nghiệp ở Yên Bái. Trong bối cảnh giá cả vật tư phân bón tăng cao, bão lũ, dịch bệnh triền miên, nhất là dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm chưa xong thì bệnh dịch tả lợn châu Phi lại đổ về làm điêu đứng ngành chăn nuôi…
Thế nhưng, Yên Bái vẫn làm nên điều kỳ diệu, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13% (cao hơn bình quân chung của cả nước trên 2,1%). Cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu.
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, trồng trọt chiếm 61,98%, chăn nuôi chiếm 36,95%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 1,07%; lâm nghiệp chiếm 26,24%; thủy sản chiếm 4,30%; các chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu đều đạt và vượt so với mục tiêu.
Đặc biệt và quan trọng hơn là đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao (lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng tre măng Bát độ gần 5.000 ha, vùng sơn tra trên 9.200 ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000 ha...).
Từ một địa phương gần như không có sản phẩm hàng hóa gì thì nay đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến: cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình), chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn), gạo Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) và cá hồ Thác Bà…
Sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Song song với đó, đã xây dựng được 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng phát triển 83 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 57 dự án được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: chè, rau, cây ăn quả có múi, sản xuất lúa gạo... Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm...
Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đạt kết quả nổi bật, toàn diện và trở thành một điểm sáng trong khu vực Tây Bắc với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Người dân đã thực sự trở thành chủ thể trong XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Người dân từ vùng thấp đến vùng cao đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực XDNTM theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cái được lớn hơn cả chính là phương thức tổ chức sản xuất đã được đổi mới theo hướng mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến hết năm 2020, đã có 75 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50% số xã của tỉnh, huyện Trấn Yên đạt huyện chuẩn NTM, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nghĩa vụ XDNTM; thu nhập cư dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu tính bền vững, dễ bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; phương thức sản xuất cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững; kinh tế tự cung, tự cấp ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là phổ biến; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông sản chủ lực chưa cao; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa phát triển; số lượng hợp tác xã thì nhiều nhưng mô hình còn bé, hiệu quả chưa thực sự cao, doanh thu bình quân năm mới đạt 2 tỷ đồng/hợp tác xã.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ gần như chưa có, nếu như chúng ta không muốn nói là không có.
Công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đảm bảo khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý... được cho là những giải pháp căn cơ trong sản xuất nông nghiệp nhưng của ta lại còn rất hạn chế.
Trong chế biến mới tập trung ở sản xuất chè, gỗ rừng trồng, sản phẩm quế, tinh bột sắn nhưng công nghệ chế biến còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Một số nhóm sản phẩm chưa được đầu tư như sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; do đó, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.
Một vấn đề nữa là chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất; việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; quỹ đất dành cho sản xuất còn manh mún, trên một cánh đồng có cả trăm thửa ruộng của cả trăm hộ dân; sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều, ở nhiều nơi chưa gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm...
Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến nông sản chưa được kiểm soát tốt... Hình thức sản xuất chưa thực sự đổi mới, mạng lưới phân phối sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng...
Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất
Từ thực tiễn cho thấy, Yên Bái cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đặc biệt phải chuyển từ lượng sang chất. Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã có Nghị quyết số 20-NQ/TU về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm theo kịp xu hướng và nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng sinh thái, vùng, miền... phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, các mô hình ứng dụng công nghệ cao... Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt trên 4,5%; giá trị sản xuất năm 2025 đạt trên 9.685 tỷ đồng; có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM, huyện Yên Bình và Văn Yên đạt chuẩn NTM; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đó là những mục tiêu quan trọng cần sự vào cuộc một cách đồng bộ và những cơ chế, chính sách phù hợp, những giải pháp căn cơ, cụ thể. Trước tiên, cần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm. Sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu đi đôi với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Xây dựng và tiếp tục nhân rộng các mô hình mới, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao đưa thu nhập bình quân trên mỗi héc-ta canh tác đạt 150 triệu đồng/ha.
Phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với 10 sản phẩm chủ lực đi đôi với cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobaIGAP gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến.
Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ...
Trồng rừng hướng đến trồng rừng gỗ lớn cùng với phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu gắn với du lịch, dịch vụ. Tỉnh sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, các công trình bảo quản, chế biến sau chế biến...
Nhìn rõ thực tại, đưa ra được định hướng cho phát triển cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cần cù và ý chí, khát vọng vươn lên làm chủ, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, chắc chắn sản xuất nông nghiệp sẽ luôn trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, phát triển bền vững.
Thanh Phúc