Nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Cương ở thôn Châu Giang, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi gà thương phẩm. Ban đầu, với quy mô nhỏ vài trăm con, thời kỳ cao điểm từ 2.000 - 2.500 con/lứa. Năm vừa qua, gia đình ông được tạo điều kiện tham gia dự án gà 1.000 con/lứa theo Quyết định 27 của UBND tỉnh với số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông Cương luôn được cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch cho đàn gia cầm. Ông Cương cho biết: "Nhờ làm theo hướng dẫn về chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm của cán bộ chăn nuôi thú y, tôi đã áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình và cho hiệu quả kinh tế cao”.
Đối với xã Văn Phú, những năm qua, phát triển chăn nuôi vẫn luôn là thế mạnh trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn xã có 10.181 con; trong đó, đàn trâu 75 con, bò 156 con, đàn lợn 1.450 con và đàn gia cầm 8.500 con.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nông dân xã Văn Phú đã chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình phòng bệnh tổng hợp, tiêm phòng các loại vắc - xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Quang Trung là hộ nghèo ở xã Văn Phú được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Với tổng số tiền hỗ trợ trên 10 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đến nay, sau hơn 2 năm tích cực chăm sóc, nên từ con trâu hỗ trợ đã sản sinh ra thêm 1 con nghé con, tạo động lực cho gia đình ông phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Trung chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là sự hướng dẫn của cán bộ cơ quan chuyên môn, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, đảm bảo khu vực chăn nuôi sạch sẽ, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc”.
Đến nay, tổng đàn gia súc chính tại thành phố Yên Bái đạt 34.115 con; trong đó, đàn trâu 520 con, bò 280 con, đàn lợn trên 33.300 con.
Để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm H5N1, H5N6, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, không để dịch bệnh phát sinh.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn đúng quy định, không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các sơ sở chăn nuôi và các địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh trước đó; triển khai thực hiện tiêm phòng lở mồm long móng trên đàn trâu, bò được 825 liều; kiểm soát giết mổ lợn được gần 3.000 con; kiểm soát giết mổ gia cầm được 3.600 con; kiểm tra vệ sinh thú y, cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được 64 lượt; chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn…
Bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố khẳng định: "Để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm Trung tâm đã tham mưu với UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản; hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh chính trên đàn gia súc, gia cầm; phổ biến cho bà con biện pháp phòng, chống dịch bệnh…”
Theo đó, từ tháng 3/2021, Trung tâm đã triển khai tiêm vắc - xin phòng dịch bệnh đợt 1 với một số bệnh như: bệnh dại ở chó, mèo; tụ huyết trùng ở đàn trâu, bò; tiêm vắc - xin lở mồm long móng cho đàn gia súc; vắc - xin phòng 3 bệnh trên đàn lợn…
Đối với đàn gia cầm chủ động phòng các bệnh như: cúm gia cầm, tụ huyết trùng; hướng dẫn giúp nông dân phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; triển khai phun khử trùng tiêu độc cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.
Trần Ngọc