Theo UBND xã Minh Tiến, huyện Lục Yên từ ngày 21 đến 24/4/2021 đàn bò 5 con của ông Hoàng Văn Vỵ, thôn Khau Nghiềm có 1 con xuất hiện nổi các cục trên da và đàn bò 3 con của ông Vi Văn Thơ, thôn Trang cũng có 1 con dấu hiệu bệnh tương tự. Ngay khi nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp (TTDVHTPTNN) huyện đã cử cán bộ kiểm tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 26 lít sát trùng phun xung quanh ổ dịch, 1.500 liều vắc - xin tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đến ngày 23/4/2021, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương kết luận mẫu bệnh phẩm của hộ ông Hoàng Văn Vỵ và hộ ông Vi Văn Thơ dương tính với bệnh VDNC trâu, bò.
Ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm, TTDVHTPTNN đã báo cáo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). UBND xã Minh Tiến phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ban, ngành tiến hành tiêu hủy 2 con bò bệnh này..
TTDVHTPTNN cử cán bộ phối hợp với UBND xã phun tiêu độc khử trùng nơi ổ dịch và xung quanh ổ dịch kết quả 21.000 m2, tiêm phòng vắc - xin tính đến ngày 25/4 được 680 liều.
Ngày 24/4, tại huyện Trạm Tấu phát hiện có 6 con trâu của hai hộ tại chòm Cầu Tà, thôn Tà Cao, xã Tà Xi Láng có triệu chứng của bệnh VDNC, UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập đoàn công tác đến kiểm tra tại hai hộ trên, chỉ đạo cán bộ TTDVHTPTNN huyện lấy mẫu xét nghiệm đối với 6 con trâu nghi mắc bệnh gửi cơ quan chức năng theo quy định.
Như vậy, từ 29/3 đến 24/4/2021, bệnh VDNC xảy ra trên bò của 6 hộ tại 6 thôn, 5 xã thuộc 3 huyện. Tổng số bò, bê mắc bệnh VDNC là 10 con, đã tiêu hủy theo quy định là 7 con (chưa tính 6 con trâu của 2 hộ tại xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu).
Ngay sau khi bệnh VDNC xuất hiện, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với TTDVHTPTNN huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly gia súc mắc bệnh, tiêu độc khử trùng, báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh.
UBND xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; xã Minh An, Đại Lịch, huyện Văn Chấn, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên và xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu đã thông báo đến các hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý và theo dõi đàn trâu, bò của xã; thực hiện vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc hằng ngày, phun thuốc diệt ruồi, muỗi. Khi trâu, bò có biểu hiện của bệnh phải báo ngay cho TTDVHTPTNN huyện kiểm tra, xử lý kịp thời; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc tại xã có dịch.
Để ngăn chặn tình trạng bệnh VDNC phát sinh, lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với phòng NN&PTNT, TTDVHTPTNN các huyện yêu cầu các hộ có dịch thực hiện nuôi nhốt, cách ly triệt để đàn trâu, bò mắc bệnh, không cho ra bãi chăn thả chung; không bán chạy, giết mổ trâu, bò bị bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, tiến hành thu gom và xử lý chất thải bằng cách ủ với vôi bột hoặc chôn.
Rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại; phun thuốc khử trùng và thuốc diệt côn trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày, thôn có dịch phun 2 ngày/lần, các thôn chưa bị dịch 2 lần/tuần; rắc vôi bột trên các trục đường ra vào khu vực ổ dịch và khu vực chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò; hàng ngày theo dõi tình hình sức khỏe đàn trâu, bò, báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND xã, thị trấn; tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về sự xuất hiện bệnh VDNC, khẳng định bệnh chỉ xảy ra trên trâu, bò, không lây sang người và động vật khác; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y phối hợp với trưởng thôn tổ chức thống kê, rà soát, nắm chắc tổng đàn trâu, bò.
Giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trâu, bò; khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện bệnh VDNC phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh; yêu cầu thôn, bản, trưởng thú y xã quản lý chặt chẽ hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh; hướng dẫn nuôi cách ly những con ốm ra khu vực riêng để chăm sóc, điều trị; tiêu hủy những con mắc bệnh nặng, chết theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh; tổ chức kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch; tạm dừng việc giết mổ, buôn bán sản phẩm trâu, bò trong thời gian có dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu, bò thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, không chăn thả trâu, bò ra khu vực có dịch…
Quang Thiều