Năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc
Để hiện thực hóa mục tiêu theo kế hoạch đặt ra trong phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/4 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc" và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn (2021 – 2025) làm cơ sở cân đối nguồn đầu tư hoàn thành 871km cao tốc để đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.
Cùng với đó, phấn đấu khởi công mới khoảng 1.176km, gồm một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (hoàn thành 375km và khởi công 387km); khu vực phía Bắc đưa vào khai thác 2 tuyến dài 74km (Cửa khẩu Hữu Nghị - TP.Lạng Sơn và Chợ Mới - Bắc Kạn); khởi công 4 tuyến cao tốc dài 337km (Vành đai 4 Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (giai đoạn 2021 – 2025) sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 139km (Hòa Liên – Túy Loan và Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc); khởi công tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong dài 105km.
Khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 147km (Biên Hòa – Vũng Tàu và Chơn Thành – Đức Hòa); khởi công 3 tuyến mới dài 194km (Vành đai 3 TP.HCM, TP.HCM – Mộc Bài và TP.HCM – Chơn Thành).
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 3 tuyến dài 136km (Mỹ An – Cao Lãnh, Cao Lãnh – Rạch Sỏi và An Hữu – Cao Lãnh); khởi công 2 tuyến cao tốc dài 153km (Châu Đốc – Cần Thơ và Sóc Trăng – Trần Đề).
Như vậy, để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, ngoài việc hoàn thành 1.176km khởi công trong giai đoạn 2021 – 2025, còn cần đầu tư hoàn thiện thêm tối thiểu 874km đường bộ cao tốc.
Do đó, Chính phủ đã đặt ra kế hoạch khu vực phía Bắc đầu tư hoàn thành 3 tuyến dài 363km (Mộc Châu - Sơn La, Phú Thọ - Chợ Bến, Vành đai 5 Hà Nội); khu vực miền Trung và Tây Nguyên đầu tư hoàn thành 3 tuyến dài 299km (Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Pleiku, Bảo Lộc - Liên Khương);
Khu vực phía Nam đầu tư hoàn thành 2 tuyến dài 170km (Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh và Gò Dầu - Xa Mát); khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 2 tuyến dài 207km (Hà Tiên - Rạch Giá và Hồng Ngự - Trà Vinh).
Theo kế hoạch triển khai của Chính phủ, đến năm 2030 cả nước sẽ hoàn thành khoảng 5.165 km. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế và khả năng cân đối nguồn lực, sẽ kêu gọi đầu tư thêm một số tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, với quy mô đầu tư, giai đoạn hoàn thiện xây dựng đảm bảo quy mô theo quy hoạch 4 - 6 làn xe, một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế, đường vành đai đô thị lớn quy mô 6 - 8 làn xe. Trong giai đoạn phân kỳ sẽ lựa chọn quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đa dạng hóa phương thức đầu tư
Cũng theo Vụ Đối tác Công tư (Bộ GTVT) thông tin, để thực hiện chủ trương có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 cần áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và sử dụng nguồn lực, nhất là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc theo phương thức PPP.
Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đầu tư công, sau khi hoàn thành cần thiết phải thu phí để hoàn vốn Nhà nước, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông.
Nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng.
Riêng với nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã giao các địa phương cân đối nguồn, chủ trì thực hiện 37.168 tỷ đồng, ngân sách Trung ương cần bố trí 182.355 tỷ đồng, trong đó đã cân đối được 138.000 tỷ đồng, đang còn thiếu khoảng 44.355 tỷ đồng.
Trong khi nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn 2026 - 2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng. Đề cập đến vấn đề này, Vụ Đối tác Công tư cho biết, đối với nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực Nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương.
Còn đối với nguồn vốn huy động, Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi. Bởi nếu ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dự án BOT, chắc chắn dự án sẽ thành công.
(Theo dangcongsan.vn)