Yên Bái: Hàng hóa dồi dào, không còn tâm lý đổ xô mua dự trữ

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2021 | 9:44:44 AM

YênBái - Chị Hương Liên ở phường Đồng Tâm chia sẻ: "Dạo này, mình cũng có mua đồ nhiều hơn một chút so với ngày bình thường trước đây. Mua thế để ít phải đi chợ, ít phải đi ra ngoài hơn chứ giờ lúc nào hàng hóa cũng nhiều, giá cả thì ổn định nên chẳng việc gì phải dự trữ đâu. Hàng xóm chúng tôi cứ nói với nhau là chỉ sợ không có tiền mà mua thôi”.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hằng Hiển, thành phố Yên Bái luôn chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hằng Hiển, thành phố Yên Bái luôn chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Thời điểm này, tại các cửa hàng, đại lý hàng lương thực, công nghệ phẩm lớn trên địa bàn thành phố Yên Bái, lượng hàng hóa đều rất dồi dào, giá cả các mặt hàng cũng giữ nguyên. Hàng hóa chất đầy các kệ và lối đi ở cửa hàng tiêu dùng Hằng Hiển ở phường Yên Thịnh, người mua cũng đến rải rác.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hằng Hiển cho biết: "Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Công ty dự trữ một lượng lớn hàng hóa, tổng trị giá 350 triệu đồng. Là nhà phân phối lớn nên trong mọi tình huống, doanh nghiệp sẽ luôn bảo đảm cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu mà giá không tăng”. 

Các đại lý gạo cũng đã chuẩn bị phương án đảm bảo đủ lượng gạo để cung ứng thường xuyên cho người dân. Theo các chủ đại lý gạo cho biết, hiện trong kho của họ luôn có vài chục tấn mà phía cung cấp cũng bảo đảm khi cần sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời. 

Bà Trần Thị Bình - Chủ đại lý gạo Hải Bình ở Km5 cho biết: "Trong kho của gia đình ở xã Minh Bảo hiện còn trên 30 tấn gạo, giá thì vẫn giữ nguyên, không hề tăng một nghìn nào. Cụ thể là gạo Chiêm Hương 15.000 đồng/kg, tẻ Nhật 14.500 đồng/kg, BC15 13.000 đồng/kg, Séng cù 21.000 đồng/kg, nếp Điện Biên 30.000 đồng/kg”. 

Bà Bình cũng khẳng định sẽ luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thực tế thời gian qua, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng người tiêu dùng vẫn luôn yên tâm phòng dịch, không mất bình tĩnh, không hoang mang, không lo lắng, không đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ. 



Các đại lý gạo trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện bảo đảm nguồn cung cho khách hàng.  

Chị Hương Liên ở phường Đồng Tâm chia sẻ: "Dạo này, mình cũng có mua đồ nhiều hơn một chút so với ngày bình thường trước đây. Mua thế để ít phải đi chợ, ít phải đi ra ngoài hơn chứ giờ lúc nào hàng hóa cũng nhiều, giá cả thì ổn định nên chẳng việc gì phải dự trữ đâu. Hàng xóm chúng tôi cứ nói với nhau là chỉ sợ không có tiền mà mua thôi”.

Chủ động, kịp thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát các nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu; vận động và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ sở phân phối kinh doanh chủ yếu. 

Ở mỗi địa phương hiện nay đều có từ 5 - 10 đại lý kinh doanh lương thực, số lượng dự trữ thường xuyên khoảng 20 tấn gạo, riêng địa bàn thành phố Yên Bái có Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái dự trữ đến 300 tấn gạo. Đặc biệt, khi cần thiết thì Sở Công thương tỉnh sẽ kết nối để nhập từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… với khoảng 10.000 tấn/tháng. 

Cùng với nguồn cung ứng trong tỉnh về rau xanh, củ, quả các loại thì các cơ sở kinh doanh hàng tháng vẫn thường xuyên khai thác thêm từ các tỉnh ngoài khoảng 1.000 tấn rau, củ các loại. Đối với thịt lợn, gia cầm, thủy sản, bên cạnh nguồn cung trong tỉnh thì khi nhu cầu tăng đột biến có thể khai thác thêm khoảng 700 tấn từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu bán trong các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. Nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng như: đường, sữa, nước mắm, bột canh, mỳ chính, mỳ tôm, lương khô, dầu ăn, muối I ốt... hiện nguồn có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 2.000 tấn. 

Các đơn vị, nhà phân phối chủ yếu trong tỉnh thường xuyên dự trữ kinh doanh như: Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Yên Bái 1,2 tỷ đồng, hệ thống 8 cửa hàng Vinmart+ 1 tỷ đồng, Công ty TNHH Thịnh Long 626 triệu đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng 320 triệu đồng, Công ty TNHH Thương mại Nga Hoàn 400 triệu đồng, Siêu thị Anh Mỹ 120 triệu đồng, Công ty TNHH Hùng Cường 900 triệu đồng… 

Khi có tình huống phát sinh, các đơn vị này có thể dự trữ hàng hóa lên đến 70 - 80 tỷ đồng, đảm bảo nhu cầu của người dân kể cả lúc tăng cao. Ngoài ra, tại các huyện, thị xã, thành phố đều có hệ thống các cơ sở phân phối, kinh doanh dự trữ các mặt hàng này, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nắm bắt tình hình sản xuất, vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp vừa chủ động phòng chống dịch vừa tích cực duy trì sản xuất nhằm cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, Sở phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt, tăng cường chỉ đạo để bình ổn tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh. 

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho biết: "Hiện nay, Sở Công thương tỉnh đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu ứng phó với 4 tình huống xảy ra theo diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, Sở cũng đã đề xuất với tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai, dịch bệnh để giao cho một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh khai thác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân khi dịch bệnh xảy ra.

Mặt khác, Sở cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, một số địa phương trong nước chưa có dịch bệnh sẵn sàng hỗ trợ cung ứng sản phẩm hàng hóa cho Yên Bái; đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, tăng giá, tung tin thất thiệt về khan hiếm hàng hóa nhằm trục lợi, qua đó tạo điều kiện lưu thông, ổn định thị trường và giá cả hàng hóa”.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái hàng hóa dồi dào giá cả ổn định

Các tin khác
Giá vàng SJC tiếp tục tăng sau khi vượt ngưỡng 56 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng SJC hiện tăng lên mức 56,23 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,28 triệu đồng/lượng.

Một mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà của người dân xã Mông Sơn.

Nuôi cá lồng và cá quây lưới trên các eo ngách hồ Thác Bà được người dân xã Mông Sơn, huyện Yên Bình phát triển mạnh trong những năm gần đây. Sản lượng khai thác thủy sản của Mông Sơn năm 2020 ước đạt 395 tấn và là một trong những địa phương giữ vai trò chính trong sản xuất sản phẩm chủ lực cá hồ Thác Bà của huyện Yên Bình.

Công nhân Điện lực thành phố Yên Bái kiểm tra, lắp đặt công tơ mới cho khách hàng.

Điện lực thành phố Yên Bái (ĐLTP) đang quản lý, vận hành 70,61 km đường dây 35kV; 96,45 km đường dây 22kV; 191,5 km đường dây 0,4kV và 291 trạm biến áp (TBA) phân phối với tổng công suất 91.366kvA cung cấp điện cho khoảng 36.000 khách hàng trên địa bàn thành phố.

Bộ Công Thương yêu cầu bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Chiều tối 12-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Chỉ thị khẩn số 07/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục