Ngay sau khi Luật có hiệu lực, để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích phát triển DN trên địa bàn, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, ban hành các nghị quyết, đề án quy định cụ thể về nội dung định mức hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn, đất đai, khoa học, kỹ thuật, thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD)...
Thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt những giải pháp tín dụng; tập trung vốn tín dụng đầu tư cho vay các DNNVV, hỗ trợ các DN xây dựng phương án SXKD khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường.
Các ngân hàng thương mại đã chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV cho vay với mức lãi suất thấp; trong đó, Ngân hàng BIDV đã triển khai chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới 90.000 tỷ đồng; Ngân hàng Agribank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 30.000 tỷ; Ngân hàng Vietinbank dành 500 tỷ cho các DN lần đầu giao dịch với lãi suất ưu đãi 7%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng. Đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.049 khách hàng với số tiền cam kết cho vay là 14.640 tỷ đồng và dư nợ là 8.473 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.358 khách hàng với dư nợ 6.227 tỷ đồng.
Về hỗ trợ mặt bằng SXKD, trong giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao đất và cho thuê đất 122 dự án với diện tích 811,55 ha. Cùng với triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng, mặt bằng sản xuất, tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài.
Hàng năm, tổ chức các tuần hàng giới thiệu các sản phẩm nông lâm sản có thế mạnh của tỉnh tại các trung tâm thương mại, siêu thị tại Hà Nội; phối hợp với các đơn vị, DN tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Yên Bái; qua đó, ký kết được 25 hợp đồng và 30 biên bản ghi nhớ tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh. Hỗ trợ, tư vấn cho 10 DN về thủ tục thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng bao bì, nhãn mác; xây dựng 33.000 tờ rơi cataloge giới thiệu các sản phẩm, hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Cùng đó, các sở, ban, ngành tập trung hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung hỗ trợ, các DNNVV đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.369 DNNVV tăng 24% (tăng 457 DN) với tổng vốn đăng ký kinh doanh 27.580 tỷ đồng, tăng 12% tương đương với 2.955 tỷ đồng so với năm 2018. Giai đoạn 2018 - 2020, tổng doanh thu của DNNVV ước đạt 59.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.920 tỷ đồng. Các DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hỗ trợ các DNNVV thời gian qua gặp một số khó khăn, cho dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập DN. Tuy nhiên, hiện nay số lượng hộ kinh doanh chuyển đổi sang thành lập DN còn thấp và hiện toàn tỉnh có khoảng trên 2.200 hộ kinh doanh nhưng đến nay mới có 6 hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN.
Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên chưa bố trí được nhiều nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ DNNVV; một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo vệ môi trường, ưu đãi đầu tư... vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Hỗ trợ DNNVV, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; năng lực tài chính các DN còn hạn chế, trình độ quản trị DN còn yếu, phương án SXKD thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng còn thấp; chất lượng sản phẩm của DNNVV không đồng đều, sản lượng không ổn định nên khó khăn trong việc hỗ trợ DNNVV tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường…
Do đó, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho các DNNVV Yên Bái tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Phát triển DNNVV do Thủ tướng Chính phủ thành lập; quan tâm, tạo điều kiện cho DNNVV của tỉnh tiếp cận với các chương trình hỗ trợ từ trung ương; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh để thực hiện tốt công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh.
Văn Thông