Bất chấp cái nắng gay gắt của những ngày hè tháng 5, gần 40 cán bộ, công nhân lao động của Nhà máy Gạch Yên Bình (thuộc Công ty cổ phần Gạch chịu lửa và Xây lắp điện Việt - Trung), xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình vẫn miệt mài bên các dây chuyền sản xuất với khí thế sôi nổi, phấn đấu lập thành tích chào mừng ngày hội toàn dân đi bầu cử.
Anh Hà Đình Hải - cán bộ kỹ thuật Nhà máy Gạch Yên Bình cho biết: "Do Nhà máy mới đi vào hoạt động nên công xuất hiện tại mới chỉ đạt 7 vạn gạch/ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Nhà máy chỉ đạo bộ phận vận hành máy móc hoạt động 3 ca/ngày. Mặc dù thời tiết nắng nóng, oi ả nhưng với khí thế đẩy mạnh sản xuất, chào mừng ngày bầu cử do Công ty phát động, các công nhân, người lao động đều miệt mài với công việc, thậm chí một số người còn đăng ký làm tăng ca”.
Được biết, dù phải thực hiện "nhiệm vụ kép” nhưng lãnh đạo Công ty đã bố trí thời gian phù hợp để người lao động tìm hiểu, nghiên cứu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; xây dựng kế hoạch bố trí thời gian để công nhân vừa tham gia bỏ phiếu đầy đủ vừa đảm bảo yêu cầu sản xuất.
Có mặt tại Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên khi hàng trăm công nhân đang hoàn thành những sản phẩm cuối cùng theo dây chuyền sản xuất, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc và chuyên nghiệp doanh nghiệp may mặc này.
Ông Phạm Ngọc Mai - cán bộ quản lý Công ty cho biết: "Hiện nay, Công ty đã có đơn hàng đến hết năm; do vậy, cùng với việc triển khai các giải pháp vừa bảo đảm sản xuất vừa chống dịch Covid - 19, Công ty tổ chức cho công nhân sản xuất 3 ca liên tục để kịp thời trả hàng cho bên đối tác. Song song với chuẩn bị tốt phương án sản xuất, Công ty bố trí thời gian để 100% người lao động có thời gian đi bỏ phiếu vào ngày 23/5”.
Tại Khu Công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái, hàng nghìn công nhân thuộc 27 nhà máy, cơ sở sản xuất đang tăng ca thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội toàn dân đi bầu cử. Ngay từ cổng, xe chở vật liệu rồi sản phẩm đi tiêu thụ ra vào tấp nập; phía trong các nhà xưởng tiếng máy rền vang không ngớt.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Nhà máy Polymer industries Yên Bái cho biết: "Trong bối cảnh vừa sản xuất vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, Công ty bố trí cho hơn 70 công nhân làm việc theo 2 ca ngày và đêm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của Công ty vẫn đạt gần 6,4 tỷ đồng”.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, cùng với việc tuyên truyền về bầu cử tới cán bộ, người lao động, Ban Quản lý đã phát động phong trào thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng thành công cuộc bầu cử. Đồng thời, yêu cầu các công ty có phương án bố trí, sắp xếp cho công nhân làm việc tại các bộ phận có thời gian đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân mà không làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Rời những nhà máy, xưởng sản xuất, chúng tôi ra công trường thuộc Dự án Đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Dưới trời nắng như đổ lửa, hàng trăm công nhân của đơn vị nhà thầu vẫn miệt mài hoàn thành hạng mục cho kịp tiến độ đề ra. Tiếng máy xúc, máy trộn bê tông, tiếng cười nói như hòa vào nhịp sống hối hả nơi đô thị.
Dây chuyền sản xuất hiện đại với hệ thống máy móc tự động hóa của Nhà máy Gạch Yên Bình.
Tại gói thầu số 12, do liên danh Công ty Lâm Việt - Bình Dương thi công, dù số lượng công nhân, máy móc không còn được duy trì như lúc cao điểm nhưng tất cả đều làm việc rất tập trung để chuẩn bị cho công đoạn cuối cùng là thảm nhựa mặt đường trong những ngày tới.
Anh Cao Mạnh Hùng - cán bộ kỹ thuật, liên danh Công ty Lâm Việt - Bình Dương cho biết: "Gói thầu số 12 có tổng chiều dài trên 1,64 km. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, thời gian qua, Công ty huy động tối đa máy móc, phương tiện tổ chức thi công 2 - 3 ca/ngày, đến nay, đã cơ bản thi công xong các hạng mục như: đê, kè mái, lát gạch vỉa hè. Đặc biệt, hiện nay, Công ty duy trì trên 40 lao động cùng nhiều loại máy lu để vệ sinh mặt đường, tưới nhựa tươi bám tiến tới thảm nhựa mặt đường và hoàn thiện thi công vỉa hè, phấn đấu bàn giao công trình trước ngày 31/5”.
Công nhân Nhà máy Polymer industries Yên Bái trong giờ sản xuất.
Cách đó không xa, công trường thi công của gói thầu số 13 do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cũng đang tấp nập, rộn ràng tiếng máy. Hàng trăm công nhân với máy lu, máy xúc đang tập trung lao động từ thi công tường chắn chân kè, bó vỉa, đắp đất nền đường đến lát gạch vỉa hè để đẩy nhanh tiến độ thi công. Được biết, Dự án Đê chống ngập sông Hồng được thiết kế bám sát bờ sông trên nguyên tắc đảm bảo kỹ thuật thoát lũ, chống ngập và chỉnh trang đô thị có tổng chiều dài là 4,25 km; điểm đầu tuyến cách cầu Bách Lẫm về phía thượng lưu 900 m, điểm cuối tuyến cách cầu Văn Phú về phía thượng lưu 1.300 m, gồm đầy đủ các hạng mục: đường giao thông, rãnh thoát nước mặt đê và các công trình phụ trợ; kè bảo vệ mái đê phía sông (bao gồm kè chân đê); công trình tiêu nước... với tổng mức đầu tư 472 tỷ đồng.
Theo ông Trần Ngọc Phú - Chánh Văn phòng, Trưởng ban Quản lý Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường, xác định, đây là dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công tổ chức các buổi họp và chỉ đạo nhà thầu thi công lập tiến độ thi công chi tiết, tập trung nhân vật lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành gói thầu.
Cùng với Dự án Đê chống ngập sông Hồng thì tại các công trường trọng điểm như: kè suối Thia, đường Trạm Tấu - Bắc Yên, đường nối quốc lộ 32 với huyện Trạm Tấu, không khí lao động sản xuất cũng diễn ra khẩn trương, hối hả để chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hùng Cường