Từ năm 2018, sản phẩm miến đao của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên đã ký hợp đồng với chuỗi siêu thị lớn, các nhà phân phối ở các tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX cho biết: "Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 100 tấn miến đao; trong đó, đưa vào hệ thống siêu thị Big C ở miền Bắc khoảng 30 tấn/năm. Sản phẩm miến đao để được vào hệ thống siêu thị là cả một quá trình lâu dài từ việc thay đổi tư duy sản xuất an toàn cho các hộ thành viên cho đến việc xúc tiến đầu tư, sự nhạy bén, chịu khó tìm kiếm thị trường của Ban Giám đốc”.
Quả thực, để đưa sản phẩm miến đao vào siêu thị đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt với những tiêu chuẩn riêng. Bột đao riềng nguyên chất không pha trộn các loại bột khác, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; kéo sợi nhỏ; miến chỉ phơi một nắng trên các phên tre đặt cách mặt đất từ 1 - 1,2 m; phơi ở những nơi cách đường ô tô từ 100 m trở lên để không bị bám bụi bẩn. Đặc biệt, mỡ lau phên phải là mỡ tự rán và từ phên thứ 4 trở đi mới được sử dụng đóng gói, đưa vào siêu thị.
Miến đao Giới Phiên là 1 trong 13 sản phẩm nông sản, thủy sản, đặc sản của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị: Big C, Vinmart, Hapromart khu vực phía Bắc; ngoài ra, còn có măng, khoai Lục Yên, mật ong, trà quế, chè Suối Giàng, cam Văn Chấn… trung bình mỗi năm có hàng trăm tấn sản phẩm các loại được tiêu thụ theo kênh phân phối này.
Để vào được hệ thống siêu thị, bên cạnh việc sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng, việc xúc tiến thương mại, phát triển thị trường là rất cần thiết. Những năm qua, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, với vai trò, trách nhiệm của mình đã thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, trọng tâm là các sản phẩm nông sản.
Theo đó, Sở đã phối hợp tổ chức mỗi năm 2 tuần Tuần hàng giới thiệu sản phẩm tại hệ thống siêu thị Hà Nội như: Big C, Lotte, Hapro; tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các Hội nghị kết nối do Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, sở công thương các tỉnh tổ chức; tổ chức đoàn doanh nghiệp đi giới thiệu sản phẩm tại một số nước Đông Nam Á; mời các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài đến Yên Bái để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền giới thiệu sản phẩm nông sản gửi hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước…
Các sản phẩm của tỉnh, đặc biệt là những sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cơ bản có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng và sản lượng sản phẩm đưa vào siêu thị còn ít trong khi tỉnh có rất nhiều sản phẩm đủ khả năng.
Có nhiều nguyên nhân được thẳng thắn chỉ ra như: số lượng của nhiều loại sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất manh mún, thiếu số lượng lớn; nhiều sản phẩm mẫu mã; bao bì còn hạn chế; một số sản phẩm trái cây tươi như cam chưa đáp ứng được số lượng theo quy cách yêu cầu, sản phẩm chưa được bảo quản tốt, cắt núm đúng quy trình nên khó khăn trong xúc tiến vào các siêu thị.
Đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị không chỉ là một kênh tiêu thụ mà còn là kênh quảng bá hữu hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản vật Yên Bái. Bởi vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch các vùng nguyên liệu có thể đảm bảo được sản lượng sản phẩm đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường; ngành công thương kết hợp các chương trình xúc tiến thương mại lĩnh vực công thương năm 2021 với các chương trình xúc tiến nông nghiệp, tổ chức các chương trình kết nối đưa thêm các sản phẩm OCOP vào bán tại hệ thống siêu thị tại Hà Nội.
Hoài Anh