Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp và có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong số đó, nhiều dự án đầu tư có vốn hàng trăm tỷ đồng như Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Một thành viên Năng lượng An Việt Phát, tổng vốn đăng ký 452,8 tỷ đồng; Nhà máy Cưa xẻ sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood cũng của Công ty này với tổng vốn đăng ký đầu tư 313,4 tỷ đồng; Nhà máy Chế biến thạch anh Vietquartz Yên Bái, tổng vốn đăng ký 289 tỷ đồng; Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp trồng rừng của Công ty Thiên Hà, tổng vốn đăng ký đầu tư 168 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 tăng 2,62% so với tháng trước và tăng 1,57% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, tăng 8,86% so với cùng kỳ.
Đáng mừng là số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính đến cuối tháng 5/2021 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngành công nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển quan trọng. Một số ngành sản xuất (phân theo ngành công nghiệp cấp 2) có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ.
Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 37,43%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,29%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,76%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,96%; sản xuất kim loại tăng 1,39 lần...
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng cao là quặng sắt, tinh sắt chưa nung kết tăng 46,16%; chè tăng 49,11%; ván ép từ gỗ tăng 1,15 lần; giấy làm vàng mã tăng 9,09%; các loại đá lát, đá lát lề đường tăng 22,66%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác chưa được phân vào đâu tăng 38,73%; điện sản xuất tăng 26,42%; điện thương phẩm tăng 13,56%...
Tuy nhiên, một số ngành mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục, hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị.
Một số sản phẩm có mức giảm mạnh so với cùng kỳ như tinh bột sắn, quần áo lót cho người lớn; vỏ bào, dăm gỗ; sản phẩm in khác; sơn và véc ni; bột mài hoặc đá dăm mài tự nhiên; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại... Cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Để đẩy nhanh nhịp độ phát triển ngành công nghiệp, các cấp, các ngành cần có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp về vốn, chính sách khai thác khoáng sản, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như sản xuất điện, xi măng, chế biến gỗ, sản xuất giấy đế, giấy vàng mã, sản xuất bột đá, đá xẻ...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó giữ vững thị trường tiêu thụ đã có, khai thác triệt để thị trường tiêu thụ nội địa và chủ động nắm bắt những cơ hội mới trong hoạt động sản xuất đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Trong tháng 5/2021, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 23 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 355,1 tỷ đồng; 7 HTX thành lập mới, vốn điều lệ 5,23 tỷ đồng, không có HTX giải thể.
Tính chung 5 tháng, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 113 doanh nghiệp, bằng 139,5% cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký là 1.409,4 tỷ đồng; 27 HTX thành lập mới, vốn điều lệ 37,47 tỷ đồng.
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh) |
Quang Thiều