Năm 2021, tỉnh được giao kế hoạch VĐTC từ nguồn vay nước ngoài là 392.995 triệu đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng kế hoạch VĐTC của tỉnh. Toàn bộ số vốn này đã được tỉnh phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư ngay từ đầu năm.
Xác định rõ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân VĐTC, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch về giải ngân nguồn vốn; đồng thời, thành lập các tổ công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án; chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện hồ sơ thủ tục dự án sử dụng nguồn vốn vay kịp thời.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, công tác giải ngân VĐTC còn thấp, đặc biệt tiến độ giải ngân vốn ODA rất ì ạch. Tính đến 27/5, tổng giá trị giải ngân vốn ODA đạt 11.308 triệu đồng, bằng 2,9% kế hoạch. Việc giải ngân vốn ODA chậm, ngoài tác động của dịch bệnh Covid -19 còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc; trong đó, nguyên nhân chính do một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh bổ sung dự án, điều chỉnh hiệp định vay.
Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thường phức tạp và kéo dài; trong đó, phải kể đến Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái với tổng kế hoạch vốn giao năm 2021 là 60 tỷ đồng; Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho bệnh viện đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Yên Bái vốn vay của Chính phủ Đức (26 tỷ đồng).
Một lý do nữa làm tiến độ giải ngân vốn ODA chậm là do những khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt các thủ tục về kế hoạch đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Nhiều hoạt động trong quá trình thực hiện dự án phải có ý kiến "không phản đối” của nhà tài trợ.
Cụ thể, Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực, tiểu dự án thành phố Yên Bái vốn vay WB với kế hoạch vốn năm 2021 là 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do Dự án chưa lựa chọn được nhà thầu giám sát theo yêu cầu của nhà tài trợ WB nên chưa thể ký được hợp đồng xây lắp. Dự án có gói thầu giám sát thực hiện theo quy định của nhà tài trợ là công tác lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế, quy định của WB sau khi lựa chọn được nhà thầu giám sát mới tổ chức ký hợp đồng với nhà thầu xây lắp để tổ chức triển khai.
Trong khi đó, việc lựa chọn nhà thầu giám sát theo quy định của WB mất rất nhiều thời gian (thông thường một dự án khác mất 10 - 12 tháng).
Dự kiến hợp đồng xây lắp sẽ ký vào tháng 6/2021 để tổ chức triển khai và giải ngân kế hoạch vốn vay nước ngoài năm 2021 đã giao cho dự án. Bên cạnh đó, một số dự án đã có khối lượng giải ngân và thực hiện các thủ tục thanh toán theo hiệp định đã ký; tuy nhiên, việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong giải ngân của dự án.
Đơn cử như Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Yên Bái vay vốn WB. Dự án đã có khối lượng giải ngân và thực hiện các thủ tục thanh toán theo hiệp định đã ký.
Tuy nhiên, theo Nghị định 56/2020/NĐ - CP ngày 25/5/2020, dự án này cần thanh toán thuế bằng vốn đối ứng. Do đó, để thực hiện nội dung này cần phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh lại hiệp định vay; do đó, chưa có cơ sở giải ngân vốn năm 2021.
Một số dự án giải ngân dựa trên kết quả đầu ra, nhưng theo quy định của Chương trình, kiểm toán Nhà nước là cơ quan xác minh kết quả đầu ra hàng năm sau khi có kết quả xác minh của Nhà nước trước nếu đạt yêu cầu các chủ đầu tư mới được giải ngân vốn của năm tiếp theo. Dự kiến trong tháng 8/2021, Kiểm toán Nhà nước mới hoàn thành xác minh kết quả cho dự án của tỉnh Yên Bái.
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC; trong đó, có vốn ODA, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ; tiếp tục rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng thực hiện và giải ngân sang các dự án vượt tiến độ.
Bên cạnh đó, Sở kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị chủ đầu tư phải bám sát các bộ ngành Trung ương và các sở ngành địa phương chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đặc biệt, các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; làm việc với các nhà tài trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến "không phản đối” của nhà tài trợ, để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc Nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán.
Văn Thông