Tháng 9/2020, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đây là sự ghi nhận cho sự nỗ lực của các thành viên HTX trong hành trình nâng cao giá trị sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương.
Xây dựng thương hiệu chè
Sinh ra và lớn lên ở bản Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, từ nhỏ anh Lù A Câu, sinh năm 1980, dân tộc Mông vốn thân quen với những đồi chè xanh bạt ngàn quanh năm.
Quan sát những nương chè Shan tuyết nhiều năm tuổi ở trong địa bàn xã, anh Câu nhận thấy nhu cầu sử dụng chè, nhất là chè an toàn của người dân ngày một cao, nên ấp ủ suy nghĩ và ý tưởng thành lập một cơ sở sản xuất chè sạch tại địa phương.
Anh Câu kể: "Mình nghĩ Púng Luông có giống chè ngon đến vậy, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này để vừa nâng cao giá trị cho cây chè, vừa phát triển kinh tế, khi mà đất canh tác đang ngày càng ít đi?”.
Mạnh dạn, quyết đoán, nghĩ là làm, tháng 5/2019, anh Câu đã thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông. Quá trình sản xuất, nhận thấy hộ cá thể chưa thể gây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm chè, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương và các sở ngành, tháng 7/2020, anh Câu cùng 7 thành viên khác thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Púng Luông.
Để tìm hiểu về cách sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè thơm ngon, an toàn từ chính những đồi chè đang khai thác ở quê hương, anh Câu cùng một số thành viên đến tận các vùng chè ở Thái Nguyên, Sơn La để học hỏi kinh nghiệm.
Nhận thấy kế hoạch phát triển nhiều triển vọng của HTX Púng Luông, Trung tâm khuyến công tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ HTX 110 triệu đồng cùng với 120 triệu đồng do các thành viên đóng góp, HTX đã mua máy vò, máy sao chè cỡ lớn, đồng thời mở rộng quy mô nhà xưởng.
Có máy móc, lại có nguồn chè an toàn thu mua trong dân với tổng diện tích lên đến hơn 65 ha của hàng trăm hộ dân là đồng bào Mông, các thành viên HTX Púng Luông ngày càng tin tưởng vào hướng phát triển của HTX, từ đó quyết tâm để có được những sản phẩm tốt nhất.
Không phụ công của các thành viên HTX, tháng 9/2020, chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Lù A Câu, Giám đốc HTX Púng Luông cho biết, HTX chủ yếu là người dân tộc và thu mua chè của đồng bào dân tộc Mông
Giám đốc Lù A Câu cho biết thêm, đang làm theo kiểu truyền thống, tự phát, giờ làm theo quy chuẩn đúng là không đơn giản. Nhưng các thành viên rất vui vì sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, sức tiêu thụ tốt hơn. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt 800 triệu đồng.
"Do sản phẩm chè thường thu hái và chế biến vào những tháng cuối năm, nên từ đầu năm đến nay, HTX mới sản xuất được 3 tấn chè khô, tiêu thụ được 2 tấn, doanh thu 240 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến Tết, HTX sẽ sản xuất, tiêu thụ 10 tấn, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng, thu lãi khoảng 200 triệu đồng”, anh Câu chia sẻ.
No ấm về với bản làng
Cũng kể từ khi chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được Trung tâm khuyến công hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm máy móc, được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái hỗ trợ bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm, giá trị của chè Shan tuyết Púng Luông đã nâng thêm 30- 40%. Lượng sản phẩm tiêu thụ tăng khoảng 50% do được nhiều người mua về làm quà biếu.
Lượng chè tiêu thụ tốt, HTX cũng cam kết thu mua chè của người dân bằng những hợp đồng rõ ràng và có quy định về chất lượng, tiêu chuẩn và thời gian thu hái cụ thể.
Trời đã về chiều, nhưng thời tiết giữa tháng 6 vẫn chói chang nắng, chiếu lên những búp chè long lanh xanh biếc. Tại trụ sở của HTX Púng Luông, nhiều đồng bào dân tộc Mông đang mang chè búp tươi đến bán, như: anh Lù A Sang (bản Púng Luông); Giàng A Chảo, Giàng A Sềnh, Lù Mào Vàng (bản Đề Chờ Chua B)...
Cầm trên tay số tiền gần 200 nghìn đồng sau khi bán gần 20kg chè búp tươi, anh Lù Mào Vàng phấn khởi cho biết: "Vợ con mình đi hái chè trên nương cao lắm, từ 7h sáng đến 4h chiều. Có HTX thu mua chè với giá ổn định, gia đình cũng có thêm tiền để mua đồ ăn, thức uống. Giờ gia đình mình không phải bán chè ở dọc đường và không còn nghèo đói như trước đây nữa rồi”.
Trong khi chờ cân chè, anh Lù A Sang chia sẻ, trước đây chè của người Mông hái về rất ít người mua, giá bán rẻ, lại không ổn định, lại phải bán ở chợ hoặc ngồi dọc đường mà bán. Hơn một năm nay, gia đình anh đã bán chè cho HTX. Vì HTX đã xây dựng được thương hiệu nên giá trị cao hơn, tiêu thụ nhiều hơn.
Vừa cân chè, tính tiền và trả tiền cho người bán, một thành viên HTX vừa khéo léo nhắc bà con chỉ hái búp chè theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, không được ham số lượng mà hái chè già, vừa tốn công chọn lựa, vừa ảnh hưởng tới sản phẩm chè sản xuất ra.
Có thể thấy, kể từ khi chè Shan tuyết của HTX Púng Luông được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao đã góp phần giúp sản phẩm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sản lượng tiêu thụ. Đây được xem là hướng đi đúng đắn của HTX Púng Luông cũng như các thành viên và các cấp, ngành của tỉnh Yên Bái trong việc hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm.
"Mình có khát vọng vị trà thơm ngon riêng có của chè Púng Luông sẽ được nhiều thực khách trong nước và quốc tế biết đến trong thời gian tới. Để những đồng bào dân tộc Mông một đời gắn bó với cây chè có thêm niềm vui và hy vọng cho cuộc sống ấm no, tươi đẹp từ những búp chè xanh ngát", Giám đốc HTX Púng Luông Lù A Câu bày tỏ.
(Theo vnbusiness.vn)
(Bài 2): Hiệu quả từ liên kết sản xuất