Quy Mông hướng đến phát triển kinh tế hài hòa

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/6/2021 | 7:58:50 AM

YênBái - Sau 1 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, kinh tế của xã Quy Mông (Trấn Yên) tiếp tục định hình và phát triển hài hòa trên cơ sở phát huy kết quả đạt được từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và ưu thế của từng vùng đất cùng tập quán canh tác của người dân địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo xã Quy Mông kiểm tra việc chăn nuôi gà an toàn sinh học của HTX Dịch vụ và Chăn nuôi xã Quy Mông.
Các đồng chí lãnh đạo xã Quy Mông kiểm tra việc chăn nuôi gà an toàn sinh học của HTX Dịch vụ và Chăn nuôi xã Quy Mông.

Toàn xã có 1.460 hộ sinh sống ở 10 thôn, phân vùng trên tổng diện tích tự nhiên 2.022 ha. Đây là xã có địa hình thấp so với các xã lân cận, có nhiều diện tích soi bãi dọc sông Hồng nhưng đan xen một số thôn có đất rừng là điều kiện phát triển kinh tế rừng.

5 năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ xã, cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã đã tập trung phát triển kinh tế gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất. 

Cùng với định hướng, vận động người dân triển khai những mô hình sản xuất, các chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực được thực hiện. Nhờ đó, đến cuối nhiệm kỳ vừa qua, Quy Mông đã hình thành các vùng nuôi trồng khá rõ. 

Ngoài thâm canh 301ha lúa/năm, đã có vùng trồng cây đao riềng rộng 43ha, vùng dâu tằm 26ha, diện tích trồng cây ăn quả đạt 71ha, vùng trồng quế và cây lấy gỗ trên 900 ha. 

Trong chăn nuôi đã theo hướng hàng hóa, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt khoảng 1.261 tấn, trong đó gia cầm 1.110 tấn. Đáng mừng là số hộ nuôi hàng hóa tăng tới 8 lần so với 5 năm trước. Xã đã thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi liên kết, hỗ trợ giúp đỡ trong cung ứng con giống, cung cấp thức ăn và phòng bệnh trên đàn vật nuôi. 

Đến thăm các hộ tham gia HTX Dịch vụ và Chăn nuôi xã Quy Mông mới thấy hết sự thay đổi trong cách thức làm ăn của người dân. Anh Hà Văn Quả ở thôn Hợp Thành là 1 trong 8 hộ của HTX cho biết: "Trước đây gia đình chỉ nuôi dân dã, bán được bằng nào hay bằng đó còn để lại ăn dần. Tham gia HTX khá muộn, nhưng thấy được lợi ích của việc nuôi với quy mô lớn, tôi mạnh dạn lần lượt làm 2 trại, quy mô có thể nuôi được 3.000 con gà. Cũng có lúc để giữ đàn khá khó khăn về vốn nhưng nhờ liên kết của HTX tôi có thể trả chậm hàng chục triệu tiền thức ăn mỗi tuần. Đến lứa, thương lái tới tận chuồng mua gà thịt nên cũng yên tâm”. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - Giám đốc HTX Hà Thị Mai: "Giống gà ta lai Hải Đồi là giống có chất lượng thịt ngon, được cung cấp cho các hộ trong HTX nuôi; thực hiện đúng các quy trình trong chăn nuôi, gà của HTX hướng tới đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học VietGAP, được người tiêu dùng chấp nhận và xuất bán tới 60.000 con gà thịt trong năm 2020 vừa qua. Chúng tôi tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cho người chăn nuôi trong xã và phấn đấu giữ ổn định thị trường, góp phần duy trì phong trào chăn nuôi theo hướng hàng hóa của xã”.

Bên con đường liên thôn từ Hợp Thành - nơi có những trang trại gà đi thôn Thịnh Lợi, Thịnh An một bên là những đồi quế đến độ tỉa thưa, một bên là đao riềng mát mắt, kéo ra bãi soi sông Hồng. Hộ bà Vũ Thị Lương trong thôn có hơn 2 mẫu trồng cây đao riềng ở đất bãi vừa kết thúc lần chăm bón đợt 2. "Làm cây đao nhàn hơn trồng lúa, lá đao xòe ra là cỏ không lên được nên đỡ công làm cỏ. Cứ trồng đầu năm, đến dịp cuối thu sang đông là được thu hoạch và làm bột thôi!” - bà Lương xởi lởi cho hay. 

Được biết, đao riềng là một cây trồng chủ lực của xã Quy Mông nhiều năm nay. Có khoảng 300 gia đình, chiếm khoảng 80% số hộ ở các thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Lợi tham gia trồng và chế biến đao riềng. Với diện tích hiện tại, người dân trong xã sản xuất khoảng 400 tấn bột mỗi năm, trong đó mới có 5% sản lượng này được đưa vào chế biến. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Chiển, sản xuất đao riềng là 1 trong những chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm của xã, được tập trung thực hiện theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã từ tháng 6/2020. Mục tiêu của xã là mở rộng diện tích trồng đao riềng ổn định 60 ha, nhưng quan trọng hơn là phải có 50% sản lượng được đưa vào làm miến. Chúng tôi phấn đấu xây dựng cho được miến đao Quy Mông đạt sản phẩm OCOP 3 sao của xã”. 

Là người nhiều năm công tác trong ngành nông nghiệp, trong câu chuyện của mình, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Chiển không khỏi trăn trở khi nói về mục tiêu của kinh tế nông lâm nghiệp.

Chuyện các vùng canh tác đang phù hợp với đất đai và trình độ, thói quen nuôi trồng của người dân để tiến hành rà soát, tận dụng đất đai để trồng mới 105ha dâu, nâng tổng diện tích đạt 130ha; duy trì và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả có múi 70ha; phát triển vùng trồng quế đạt 500ha; vùng cây lâm nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ 450ha… 

Rồi chuyện nâng cao chất lượng nông sản, cụ thể là nuôi gà đạt chuẩn VietGAP để giữ vững uy tín với thương lái và người tiêu dùng. Cùng đó, xã tiếp tục phát triển vùng quả, vận động thành lập HTX trồng cây ăn quả và có sản phẩm bưởi OCOP trong năm 2021 này. 

Đối với cây quế, xã dự kiến phối hợp với HTX Quế hồi hữu cơ xây dựng vùng quế hữu cơ khoảng 400ha, ngay trong năm 2021 sẽ khảo sát vùng, lấy mẫu đất - nước và hướng dẫn người dân thâm canh khi có kết quả khảo sát. Diện tích rừng trồng hiện có khoảng 200 ha sẽ tập trung chăm sóc, mở rộng; liên kết với doanh nghiệp để phấn đấu vùng cây nguyên liệu gỗ cấp chứng chỉ FSC đạt 450 ha. 

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Chiển khẳng định: "Chúng tôi phải thực hiện cho được tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị theo hướng toàn diện, bền vững, có chất lượng, an toàn và hiệu quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn, xây dựng nhãn mác, chứng nhận chất lượng sản phẩm và sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/năm”.

Triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm vụ sản xuất nông lâm nghiệp ở Quy Mông có nhiều việc để triển khai trong những năm tới, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên và người dân. Hiệu quả đạt được là bước đầu nhưng đã trở thành động lực để người dân trong xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào, khơi dậy ý chí, khát vọng của người dân để tạo chuyển biến mạnh mẽ trên cơ sở phát triển hài hòa cơ cấu cây, con trong kinh tế nông nghiệp; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội; tập trung nguồn lực để đến năm 2023 đạt xã nông thôn mới nâng cao và đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024, về trước mục tiêu Nghị quyết XXII Đại hội Đảng bộ xã đề ra. 

Minh Quang

Tags Quy Mông phát triển kinh tế huyện nông thôn mới vùng dâu tằm Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cây đao riềng vùng trồng quế

Các tin khác
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh tại Đại hội đại biểu Phụ nữ huyện Yên Bình lần thứ XX.

Đại hội đại biểu Phụ nữ huyện Yên Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đặt chỉ tiêu hàng năm giúp 50 hộ có phụ nữ thoát nghèo, 25 hộ thoát cận nghèo.

Quang cảnh buổi họp báo

Sáng 29/6, Cục Thống kê tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Dự buổi họp báo có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp châu Âu đang rất quan tâm đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Nông dân thôn Tông Co, phường Tân An cấy lúa mùa.

Vụ mùa năm nay, thị xã Nghĩa Lộ gieo cấy 2.066,51 ha lúa với mục tiêu đạt năng suất 53,13 tạ/ha, sản lượng đạt 10.979,61 tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục