Để đẩy mạnh phát triển CN - TTCN, huyện Văn Chấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN - TTCN, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để thu hút đầu tư; đồng thời, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất. Huyện cũng quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Từ những định hướng đó, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ CN chế biến.
Theo đó, huyện đã quy hoạch, phát triển, hình thành các vùng hàng hóa tập trung có quy mô lớn như vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, quế 8.400 ha, hàng năm trồng trên 3.500 ha rừng, tạo nên vùng nguyên liệu gỗ gần 20.000 ha. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực được quan tâm và đã hình thành được các chuỗi sản phẩm: chè, cây dược liệu, gỗ rừng trồng (FSC) và huyện có nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP. Đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu, huyện đã đầu tư xây dựng các cụm CN nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bà Bùi Thị Lý - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Chấn chia sẻ: hiện, trên địa bàn huyện có 189 doanh nghiệp, trong đó chế biến chè có 78 doanh nghiệp; khai thác và chế biến đá 20 doanh nghiệp; khai thác và chế biến quặng sắt 15 doanh nghiệp; khai thác than 2 doanh nghiệp; chế biến chì, kẽm 1 công ty cổ phần; sản xuất gạch 3 doanh nghiệp; điện thương phẩm 7 doanh nghiệp; ván bóc 52 doanh nghiệp; thảm hạt 2 doanh nghiệp; sản phẩm khác 4 đơn vị.
Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, công tác vận động, khuyến khích phát triển mới doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp được địa phương lựa chọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 537,8 tỷ đồng, tăng 35,97% so với cùng kỳ, đạt 38,42% kế hoạch năm.
Một số sản phẩm chủ yếu đạt khá so với cùng kỳ là chè chế biến ước đạt 6.100 tấn; ván bóc ước đạt 12.300m3; đá các loại đạt 156.000m3; gạch các loại đạt 10 triệu viên; quặng sắt đạt 28.000 tấn; xay xát lương thực đạt 20.600 tấn…
Thực tế cho thấy, phát triển CN - TTCN và thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Văn Chấn mới đạt kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển CN - TTCN và thương mại - dịch vụ ở một số xã, thị trấn chưa tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt. Điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN -TTCN chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các ngành nghề CN - TTCN tại địa phương hầu hết hình thành ở quy mô nhỏ, hộ gia đình nên hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa mang lại giá trị kinh tế cao và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Nhằm phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ, huyện Văn Chấn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu.
Quang Thiều