Những năm trước đây, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn phải nhập trường thạch Natri của Lào Cai với giá cao để sản xuất xương sản phẩm sứ điện, bên cạnh giá thành cao thì nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cũng gặp khó khăn do không chủ động nguồn nguyên liệu.
Trước khó khăn của Công ty, tháng 2/2021, anh Nguyễn Văn Nại, cán bộ điều hành sản xuất Xí nghiệp Sứ, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã đưa ra sáng kiến thay đổi tỷ lệ trường thạch Lào Cai sang trường thạch Yên Bái trong bài phối liệu xương.
Với lợi thế, trường thạch Kani Yên Bái có giá thấp hơn cùng với nguồn nguyên liệu thạch Kani của nhiều công ty trên địa bàn tỉnh cung cấp. Sáng kiến của anh Nại được Công ty đánh giá cao với hiệu quả ổn định tỷ lệ thu hồi và tính chất kỹ thuật của sản phẩm làm lợi cho Công ty 300 triệu đồng/năm.
Còn "Máy cắt liên hoàn phân đoạn quế” là sáng kiến của anh Cao Ngọc Triệu - công nhân Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái mang lại hiệu quả đảm bảo an toàn lao động. Máy cắt này có hệ thống bánh răng hình bán nguyệt và thanh hãm tự chuyển động nên khi vận hành không cần dùng tay đẩy nguyên liệu vào cắt.
Sáng kiến giúp giảm hao phí lao động do khi vận hành chỉ cần 1 công nhân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Máy cắt với công suất đạt khoảng 3 tấn/ngày, sản phẩm đẹp, không dập nát, đạt tỷ lệ 98%, giá trị làm lợi 100 triệu đồng/năm. Máy cắt được Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà sản xuất với số lượng lớn, hiện được các hộ gia đình, nhà máy, DN chế biến quế tại huyện Trấn Yên, Văn Yên tin dùng.
Sáng kiến thay đổi tỷ lệ trường thạch Lào Cai sang trường thạch Yên Bái trong bài phối liệu xương của anh Nguyễn Văn Nại và sáng kiến máy cắt liên hoàn phân đoạn quế của anh Cao Ngọc Triệu là 2 trong số hàng nghìn sáng kiến của đoàn viên trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho công ty, DN.
Chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” là một trong các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2021 được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ ngày 10/3, áp dụng cho những sáng kiến được nghiên cứu, đề xuất trước tháng 2/2021 và áp dụng vào thực tế từ tháng 2 - 5/2021. Đối tượng tham gia chương trình là đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, DN.
Sáng kiến tham gia chương trình là những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, hiệu quả, liên quan đến nhiệm vụ công tác, sản xuất, kinh doanh, hoạt động công đoàn, có giá trị làm lợi cao, tạo ra sản phẩm mới, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường…
Ngay sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp, LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, các công đoàn cơ sở triển khai các hoạt động hưởng ứng, đề ra mục tiêu cụ thể trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, DN.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền để vận động đoàn viên tham gia; thông qua nhóm Zalo, Facebook tiếp nhận, tổng hợp sáng kiến, phối hợp với bộ phận chuyên môn đánh giá, thẩm định và hỗ trợ đoàn viên cập nhật vào phần mềm tham gia chương trình.
Qua đó, chương trình đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp và đã có nhiều sáng kiến thiết thực, có tính ứng dụng cao góp phần tăng doanh thu, uy tín cho DN, mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Trần Quốc Toản - Trưởng ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh cho biết: "Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” trở thành một đợt thi đua chuyên đề, góp phần khơi dậy những ý tưởng sáng tạo trong đội ngũ CNVCLĐ, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả công việc, chia sẻ khó khăn với đơn vị, DN để từng bước ổn định, phát triển”.
Theo LĐLĐ tỉnh, thực hiện Chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển”, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có 2.943 sáng kiến tham gia. Trong đó, có 746 sáng kiến được Ban Tổ chức Chương trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam thông qua. Các sáng kiến tập trung nhiều ở lĩnh vực như: đổi mới phương pháp trong hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo; giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương thức sản xuất; áp dụng công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…
|
Thu Hiền