Yên Bái: Nghịch lý chăn nuôi lợn

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2021 | 6:38:49 AM

YênBái - Từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi, vắc xin không ngừng tăng. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ lại không giảm, nhiều hộ chăn nuôi lợn lo lắng vì nguy cơ thua lỗ…

Giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi đang rất khó khăn.
Giá thức ăn tăng cao, giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi đang rất khó khăn.

Giá thức ăn liên tiếp tăng 

Theo chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ tháng 10/2020 với nhiều đợt tăng liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/bao 25kg. Tính đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 đợt liên tiếp, mức giá chênh lệch đã lên từ trên 60.000 - 100.000 đồng/bao so với trước.

Bà Nguyễn Thị Thảo - chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên chia sẻ: tất cả các loại thức ăn chăn nuôi cho cả lợn, gà, vịt tại đại lý của gia đình bà nhập về từ đầu năm đến nay đều tăng, loại rẻ nhất cũng tăng ít nhất 25%, trong khi đó, nhiều loại thức ăn giá đã tăng trên 30% so với cùng thời điểm năm 2020. Qua khảo sát của phóng viên, mức giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng trên 30% so với thời điểm cuối tháng 10/2020. 

Không chỉ những hộ dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng mà các hộ chăn nuôi gà cũng đang đứng ngồi không yên. Cám gà hiện tại từ 290.000 - 310.000 đồng/bao, tăng trên 30% so với cuối năm 2020. Mặc dù, hiện nay đầu ra cũng như giá gà thương phẩm khá ổn định, nhưng tình hình của dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp cũng khiến các hộ chăn nuôi gà lo lắng. 

Ông Lê Văn Chung - nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cho Tập đoàn NewHope cho biết: "Nhà máy thông báo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên bắt buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Nếu như tháng 11/2020 trở về trước, tôi bán trên 300 tấn/tháng thì hiện tại chỉ được 100 tấn. Giá cám tăng chóng mặt, nhiều hộ đã bán lợn, gà và tạm thời không tái đàn nữa”.

Giá lợn hơi liên tục giảm

Những tưởng giá thức ăn tăng, giá con giống tăng thì giá lợn hơi cũng tăng, nhưng một nghịch lý là giá lợn hơi lại giảm liên tiếp. Anh Nguyễn Văn Thái - chủ hộ chăn nuôi lợn ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Vừa qua, gia đình tôi xuất bán 1 tấn lợn hơi với giá 62.000 đồng/kg. 

Trước đó khoảng 1 tuần, giá lợn hơi 65.000 đồng/kg, tháng trước là 68.000 đồng/kg.... Như vậy, trong vòng 1 tuần, xuất bán 1 tấn lợn, gia đình thất thu khoảng 3 triệu đồng, nếu so với tháng trước thất thu 6 triệu đồng”. 

Nguyên nhân của đợt sụt giảm lần này đến từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố chính vẫn là nguồn cung thịt lợn trong nước đã được đảm bảo bởi các tỉnh và đang làm tốt công tác tái đàn, đồng thời lượng thịt lợn nhập khẩu về tăng mạnh. Cùng đó, tác động của dịch Covid -19 khiến các hàng quán, địa điểm du lịch phải tạm dừng hoạt động, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm sâu. 

Theo tính toán của nhiều hộ chăn nuôi có thâm niên, thức ăn chiếm 80%  giá thành sản phẩm trong chăn nuôi. Vì vậy, khi giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi biến động sẽ có tác động rất lớn đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của người chăn nuôi. Giá thức ăn tăng một sẽ kéo theo chi phí chăn nuôi tăng gấp đôi, trong khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại lúc đấy sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. 

Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến người chăn nuôi nguy cơ thua lỗ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tái đàn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cho người tiêu dùng.

Giá thịt lợn vẫn cao

Qua khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái, giá thịt lợn chưa có sự dịch chuyển nhiều, vẫn ở mức 140.000 đồng/kg thịt nạc vai, mông sấn; 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ; 120.000 đồng/kg thịt chân giò; 50.000 đồng/kg mỡ; sườn sụn non 200.000 đồng/kg... 

Chia sẻ về thực tế này, một người bán thịt lợn tại chợ Nam Cường cho biết: "Mặc dù có giảm vài nghìn đồng/kg,song do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hàng quán ăn uống phải hạn chế khách, nên một số bộ phận khác của lợn như lòng, mỡ lợn không bán được cho các nhà hàng, người mua lẻ rất ít, gần như không tiêu thụ được. Nếu giảm giá theo giá lợn hơi, chúng tôi chỉ có lỗ”. 

Bên cạnh lý do mà người bán thịt đưa ra, nguyên nhân chính khiến tình trạng giá lợn hơi giảm, giá thịt lợn vẫn ở mức cao là do hạn chế trong hệ thống phân phối, qua nhiều khâu trung gian, lợi nhuận phân chia không hợp lý. Người tiêu dùng đang kỳ vọng giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm mạnh thì giá thịt lợn giảm theo. 

Tuy nhiên, theo nhận định của một số thương lái, giá lợn hơi trong thời gian tới có thể sẽ tăng cao trở lại. Nguyên nhân là hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao, khiến nhiều hộ chăn nuôi dè dặt trong tái đàn. Do đó, nhiều khả năng, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hàng quán hoạt động trở lại, giá lợn hơi sẽ đổi chiều đi lên. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng giá thịt lợn cách xa giá lợn hơi như hiện nay, việc xây dựng các chuỗi cung ứng thịt lợn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu các khâu trung gian là tất yếu cần quan tâm triển khai của các cơ quan chức năng.

Quang Thiều

Tags Yên Bái nghịch lý chăn nuôi lợn

Các tin khác
Người dân huyện Trạm Tấu phun khử trùng khu vực chăn nuôi gia súc.

Sau hơn 3 tháng xuất hiện và lây lan, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò tại địa bàn 6 huyện, thành phố, cũng như bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện trở lại từ trung tuần tháng 4. Đến nay, cả hai loại bệnh dịch này cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện và lây lan vẫn cao.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn kiểm tra hiệu quả mô hình hỗ trợ bò sinh sản tại hộ dân.

Từ năm 2015 đến nay, kinh phí thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện Văn Chấn đạt trên 162 tỷ đồng, huyện đã triển khai xây dựng 128 công trình như: giao thông, thủy lợi, điện, nước, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Gừng Việt Nam bày bán tại siêu thị ở khu Haymarket, Sydney.

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gừng Việt Nam sang Australia tăng trưởng 1.350% so với cùng kỳ, đạt hơn 348.000 USD.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái rà soát danh sách các hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, từ ngày 1/8/2021, các dịch vụ như: tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, Internet, game; dịch vụ may đo, giặt là, cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ sửa chữa bao gồm sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình... cũng phải chịu mức thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập cá nhân 2%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục