Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2020, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động; tập trung phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD) và lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn cho DN và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), riêng chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng lần thứ nhất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 đã được triển khai trong năm 2020. Agribank đã thực hiện hỗ trợ vượt định mức với hơn 100.196 tỷ đồng, vượt quy mô của chương trình (tối đa 100.000 tỷ đồng).
Trong đó, cho vay các đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN 485 tỷ đồng (chiếm 0,5% doanh số cho vay); cho vay DN đạt 87.238 tỷ đồng (chiếm 87% doanh số cho vay); trong đó, cho vay DN nhỏ và vừa là 40.146 tỷ đồng; cho vay cá nhân 12.958 tỷ đồng (chiếm 13% doanh số cho vay).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên 200.000 tỷ đồng với chính sách lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến từ 5,5% - 7%; cho vay trung, dài hạn bằng VNĐ từ 7% - 8%; mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD (100% cho vay ngắn hạn) phổ biến từ 2,5% - 2,8%. Bằng việc đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng DN, Agribank thể hiện quyết tâm trong điều kiện khó khăn vẫn luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, DN vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và SXKD hiệu quả.
Là ngân hàng thương mại lớn, BIDV đã liên tục triển khai chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và mới đây BIDV vừa thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Cụ thể, từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021 thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm; một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Theo đó, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid - 19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải….); các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, DN sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế; DN có lực lượng lao động lớn; các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Mặc dù mới có mặt trên địa bàn tỉnh, nhưng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có lợi thế nhờ sở hữu thương hiệu mạnh, huy động vốn giá rẻ nên áp dụng mức lãi suất rất ưu đãi cho khách hàng. Ngay từ khi đi vào hoạt động, Vietcombank Chi nhánh Yên Bái áp dụng tài trợ vốn lưu động SXKD với mức lãi suất 6,0 đến 7,5% tùy vào kỳ hạn và ngành nghề của khách hàng.
Đây được xem là mức lãi suất "mềm nhất” trên địa bàn tỉnh và đáng chú ý hơn nữa là khi mức lãi suất này áp dụng cho tất cả các khách hàng, bao gồm cả khách hàng vay mới. Đối với các khoản vay tiêu dùng, thời gian vay trung và dài hạn, lãi suất mà Vietcombank áp dụng từ 8,5 đến 10%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, sự có mặt của Vietcombank giống như một "luồng gió mới” trên thị trường tiền tệ tỉnh nhà, buộc một số ngân hàng khác phải điều chỉnh lãi suất cũng như đổi mới phong cách phục vụ nếu không muốn tụt lại.
Đồng hành cùng Chính phủ và NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại còn đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng qua dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tích cực triển khai các biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với các dịch vụ công. Tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng…
Lê Phiên