Là xã vùng II của huyện Lục Yên, Vĩnh Lạc có 11 thôn, bản và gần 5.000 nhân khẩu với các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao… cùng sinh sống. Trên tinh thần đại đoàn kết các dân tộc và thực hiện tốt các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, chung tay XDNTM, xây dựng thôn, bản văn hóa, Vĩnh Lạc đã giữ vững được các tiêu chí NTM, từng bước hoàn thiện để đạt các tiêu chí nâng cao.
Ông Nông Đình Đoạn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc cho biết: "Xác định XDNTM là một chương trình quan trọng, tạo sức bật và sự thay đổi lớn cho địa phương, do đó, cấp ủy, chính quyền xã luôn bám sát tình hình tại cơ sở, xác định đúng các tiêu chí trọng tâm để có các giải pháp cụ thể. Một trong những phương châm của Vĩnh Lạc là không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phát huy vai trò của các chủ thể trong XDNTM”.
Nâng cao thu nhập của người dân là một trong những mục tiêu được Vĩnh Lạc xác định là nền tảng tạo đà cho các tiêu chí khác trong thực hiện XDNTM nâng cao. Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, xã đã đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
Xác định phát triển nông nghiệp là ngành chính, mang lại thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân nên dựa vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, xã đã quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp ở từng thôn. Trong đó, thôn Yên Thịnh, Yên Phú, Đồng Thành tập trung phát triển cây nông nghiệp ngắn ngày như: lúa, lạc, ngô, dưa hấu, dưa lê...; đối với các thôn Trung Tâm, Bến Muỗm phát triển về chăn nuôi; về thương mại - dịch vụ, tập trung phát triển ở thôn Trung Tâm và Yên Thịnh.
Chính việc xác định đúng lợi thế của từng thôn đã giúp địa phương có định hướng cho người dân trong phát triển kinh tế một cách trọng tâm, trọng điểm; phát huy được sản phẩm chủ lực của từng thôn, từ đó xã Vĩnh Lạc hình thành các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu hướng tới hình thành các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, xã cũng phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ nông nghiệp, đây là những người trực tiếp cầm tay chỉ việc, đồng hành cùng nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật ngay tại nơi sản xuất. Nhờ đó, người dân dễ hiểu, dễ làm, dễ ứng dụng các quy trình gieo trồng vào thực tiễn sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Lạc đạt 46,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều năm 2020 là 1,4%.
Cùng với nâng cao thu nhập, vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng đường giao thông nông thôn cũng được người dân đặc biệt quan tâm. Mỗi năm nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công để vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn, trồng hoa tạo cảnh quan "xanh - sạch - đẹp” trên các tuyến đường. Phát huy nội lực, người dân sẵn sàng hiến đất, chặt bỏ cây cối, phá dỡ các công trình để mở rộng nền đường.
Với những nỗ lực chung đó, đến nay, Vĩnh Lạc có gần 40km đường trục xã, đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm được kiên cố hóa. Tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hóa - xã hội khác. Đặc biệt, vừa qua nhân dân thôn Phù Thạo đã hiến hơn 17.000 m2 đất, chặt trên 4.700 cây các loại để mở rộng, giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho tuyến đường liên xã Liễu Đô - Minh Tiến - Vĩnh Lạc - An Phú sớm được khởi công.
Anh Phạm Văn Thành, thôn Đồng Thành chia sẻ: "Có đường giao thông kiên cố, đi lại thuận tiện, dễ dàng sẽ giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế, con cái đi học dễ dàng, bộ mặt nông thôn cũng khang trang hơn. Chính vì vậy, tôi cũng như người dân trên địa bàn luôn sẵn sàng đóng góp để làm đường cũng như các công trình khác của thôn”.
Những ngôi nhà khang trang, những con đường được bê tông, những thửa ruộng, vườn cây xanh tốt, cho thấy một sức sống mới đang hiện hữu trên địa bàn xã Vĩnh Lạc. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tin rằng đến hết năm 2022, Vĩnh Lạc sẽ đạt xã NTM nâng cao theo lộ trình đề ra.
Anh Dũng