Không mất tiền thuê cửa hàng, người có nhà mặt phố có lợi thế lớn trong cạnh tranh, ít nhất là cầm cự được khi thị trường trầm lắng như thời buổi Covid-19. Nếu không muốn kinh doanh thì hộ có nhà mặt phố hoàn toàn có thể cho thuê tầng 1.
Theo ghi nhận, một gian mặt tiền rộng từ 4 - 5 m, trên những con phố lớn ở thành phố Yên Bái có giá thuê lên tới 7 - 8 triệu đồng/tháng, nếu nhà có diện tích chiều ngang lớn từ 10 - 15 m, giá thuê lên tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhà ở kết hợp với kinh doanh (toàn bộ sinh hoạt lên tầng 2, tầng 3, để lại tầng 1 làm nơi kinh doanh buôn bán hoặc sản xuất hàng hóa) thì nguy cơ cháy nổ cũng rất lớn.
Thượng tá Lê Tiến Dũng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh phân tích: "Trong một không gian hẹp, vừa bố trí nơi ở vừa là nơi tập kết hàng hóa, lắp đặt máy móc thiết bị sản xuất nên dễ phát sinh cháy nổ, chỉ cần bất cẩn cũng có thể gây cháy. Đám cháy bùng phát mạnh, thải ra nhiều khí độc khi vật gây cháy có thể là hóa chất, nhựa… càng nguy hiểm hơn khi nhà ở bịt kín, không có lối thoát hiểm”.
"Nhất thủy, nhì hỏa”, cháy nhà thực sự là thảm họa lớn đối với các hộ gia đình, nhẹ thì thiệt hại một phần, nếu không kịp cứu chữa thì mất toàn bộ tài sản, nguy hơn là thiệt hại về người. Thời gian qua, nhiều vụ cháy thảm khốc xảy ra, khiến nhiều người thương vong ở Nghệ An, Quảng Ngãi.
Tận dụng nhà mặt tiền, vừa ở vừa làm nơi kinh doanh như một điều tất yếu của cuộc sống, khi kết hợp, hộ gia đình cần thực hiện khuyến cáo của lực lượng cảnh sát PCCC như: Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà... Một nguyên tắc quan trọng là sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện...) tối thiểu 0,5 m.
Không tích trữ, chứa xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...
Cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Trường hợp lắp đặt cửa cuốn, cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Nhà ở có ban công, cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy nổ...
Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề. Đặc biệt, trong PCCC, ý thức của mỗi người vẫn là quan trọng nhất.
Tấn Đạt