Yên Bái hình thành thương hiệu đặc sản từ sở hữu trí tuệ

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/8/2021 | 7:38:56 AM

YênBái - Vài năm gần đây, hàng loạt đặc sản địa phương của Yên Bái đã và đang được triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và định vị thương hiệu thông qua hình thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đến nay, toàn tỉnh có 21 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT,

Thương hiệu Mật ong Mù Cang Chải được hình thành thông qua việc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Nông dân huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng đàn ong mật.
Thương hiệu Mật ong Mù Cang Chải được hình thành thông qua việc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Nông dân huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng đàn ong mật.

Với khí hậu, sự phong phú của các loại hoa rừng, nguồn nước sạch tự nhiên thích hợp để ong phát triển và tạo ra thứ mật sánh mịn, cuối năm 2020, "Mật ong Mù Cang Chải” đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, thể hiện chất lượng, uy tín của sản phẩm do xuất xứ địa lý mang lại. 

Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải ở xã Dế Xu Phình cho biết: "Ngoài được cấp quyền Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mật ong Mù Cang Chải của HTX còn được chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc điện tử QR code và ngày càng được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng bởi chất lượng, uy tín và thương hiệu sản phẩm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, song hợp tác xã vẫn xuất bán được 3.000 - 4.000 lít mật, trừ chi phí lãi trên 150 triệu đồng”. 

Từ việc triển khai các nhiệm vụ khoa học, huyện Mù Cang Chải hiện đã có 3 sản phẩm được bảo hộ SHTT gồm: Chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong, nhãn hiệu chứng nhận cho 2 sản phẩm: sơn tra, gà xương đen. 

Từ năm 2016, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh bằng xác lập quyền SHTT được tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ với tổng kinh phí gần 8,2 tỷ đồng. Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đều có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường sự phối hợp và hướng dẫn thủ tục đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHTT theo đúng quy định. Sở cũng đã phối hợp tổ chức 15 hội nghị tập huấn về SHTT cho 765 học viên nhằm cung cấp kiến thức, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy sự chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT. 

Để có cơ sở thực hiện đăng ký xác lập SHTT cho các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong các năm tiếp theo, phù hợp với Chương trình OCOP của tỉnh trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai dự án "Rà soát và đề xuất các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng; xác định loại hình đăng ký bảo hộ SHTT nhằm xây dựng thương hiệu các sản phẩm của tỉnh”. 

Theo ông Trần Đức Hợp - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, toàn tỉnh có 21 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT, trong đó, 5 sản phẩm Chỉ dẫn địa lý, 8 sản phẩm Nhãn hiệu chứng nhận, 8 sản phẩm Nhãn hiệu tập thể. 

Các sản phẩm được bảo hộ SHTT đã trở thành động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương với giá bán được tăng lên khoảng 15 - 20%, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Sau khi xác lập quyền bảo hộ, sản phẩm có các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, là cơ sở để kiểm soát và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các sản phẩm được bảo hộ sẽ được đảm bảo tính chất đặc thù của sản phẩm, vùng lãnh thổ; bảo vệ được bí quyết công nghệ, thúc đẩy phát triển nông thôn và đặc biệt là du lịch. 

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc xây dựng, phát triển các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các đặc sản của tỉnh, nhìn nhận dưới khía cạnh quản lý và bảo vệ SHTT mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Việc làm này vừa góp phần quảng bá, tăng giá trị của sản phẩm vừa thực thi quyền SHTT. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.                                

Hoài Anh

Tags Yên Bái thương hiệu đặc sản đặc sản sở hữu trí tuệ thương hiệu

Các tin khác
Xuất khẩu sản phẩm dệt may sang các nước CPTPP và EU tăng mạnh trong thời gian qua.

Việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đang mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Việt Nam. Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt hơn 40 tỉ USD, sang các nước tham gia CPTPP đạt hơn 38,7 tỉ USD.

Chủ các cơ sở kinh doanh, nhân viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn phòng cháy, chữa cháy.

Có nhà mặt phố không chỉ thuận tiện cho việc đi lại mà trở thành một lợi thế lớn trên con đường phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Tuy chưa có con số thống kê chính thức đưa ra, nhưng đại bộ phận các hộ ở thành phố, thị xã có nhà mặt phố đều tận dụng mở cửa hàng, cửa hiệu.

Nhân dân xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu chung sức bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với huyện đặc biệt khó khăn và thông qua các chương trình, dự án như: 30a; 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn khác, huyện Trạm Tấu đã tích cực, chủ động huy động lồng ghép với các nguồn lực địa phương, nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Sáng 4/8, giá vàng trong nước tăng 50.000 đồng/lượng và giao dịch ở mức 57,4 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa.

Sáng 4/8, giá vàng trong nước tăng 50.000 đồng/lượng và giao dịch ở mức 57,4 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục